Chủ Nhật, 18 tháng 9, 2011
Sức mạnh hải quân Trung Quốc sẽ làm thay đổi cán cân ở châu Á-Thái Bình Dương?
Ngày 10.8.11, xuất hiện 2 tin bổ trợ cho nhau và đưa lại hình dung hình thế sức mạnh thế giới tương lai. Trung Quốc đã bắt đầu chạy thử tàu sân bay đầu tiên của họ (tàu Varyag đóng dở của Hải quân Liên Xô trước đây), còn Mỹ quyết định giảm số cụm tàu sân bay xung kích từ 11 xuống còn 9 để tiết kiệm ngân sách.
Việc cắt giảm số lượng cụm tàu sân bay tiến công (CSG) được Tư lệnh Hải quân Mỹ, Đô đốc Gary Roughead thông báo. Họ quyết định giải tán CSG-7, tàu sân bay Ronald Reagan của cụm này được chuyển sang biên chế CSG-9 để thay thế cho tàu sân bay Abraham Lincoln vì tàu này sẽ bắt đầu được sửa chữa và nâng cấp từ năm 2012.
Sau khi tàu Abraham Lincoln trở lại biên chế, Hải quân Mỹ dự định loại bỏ tàu sân bay Enterprise thuộc CSG-12. Đồng thời, một tàu sân bay khác cũng sẽ bắt đầu được sửa chữa. Bằng các biện pháp này, Hải quân Mỹ muốn giảm chi phí, giảm sự thiếu hụt tiêm kích trên hạm thông qua việc bỏ kế hoạch tăng hạn sử dụng một bộ phận các tiêm kích F/A-18 Hornet và Super Hornet và mua sắm các lô nhỏ tiêm kích mới.
Rõ ràng là những biện pháp đó được đề ra là do cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính trầm trọng của Mỹ. Ngoài ra, trong tháng 7.2011, cũng có tin Lầu Năm góc đang suy tính lùi thời hạn đưa vào trang bị cho Hải quân Mỹ các tàu sân bay tiên tiến lớp Gerald Ford hoặc thậm chỉ hủy bỏ kế hoạch đóng 1 tàu loại này.
Các chương trình hải quân Trung Quốc nhằm vào ai?
Bắc Kinh năm 2008 đã vươn lên thứ hai thế giới về chi phí quân sự (ngoài ra, còn có nhiều chi phí quốc phòng của Trung Quốc không nằm trong thống kê chính thức). Hải quân Trung Quốc cũng đã vươn nhanh lên vị trí thứ hai, chỉ thua kém hạm đội Nga về một số lĩnh vực, về hạm đội tàu ngầm nguyên tử. Cộng với việc Hải quân Nga cũng như Hải quân Mỹ thua kém hải quân Trung Quốc về mặt khả năng tập trung trên mặt trận đối kháng tiềm tàng - Mỹ phải kiểm soát các điểm quan trọng chiến lược trên khắp đại dương thế giới, duy trì lục quân trong nhiều cuộc xung đột. Hạm đội Nga, đúng hơn là tàn dư của Hạm đội Liên Xô thì bị phân tán khắp từ Biển Đen đến Thái Bình Dương.
Mặc dù nếu chỉ tính các tham số số lượng, Bắc Kinh không có cơ hội đứng vững nổi trong một cuộc đối đầu trên biển - một tỷ lệ đáng kể tàu xuồng đã lạc hậu và cần hiện đại hóa, không có các tàu sân bay và cụm tàu sân bay xung kích sẵn sàng chiến đấu. Nhưng trong tương lai dài hạn, bức tranh vẽ lên rất buồn đối với Mỹ.
Ngay vào năm 2000, các nhà phân tích Bộ Quốc phòng Mỹ đã soạn thảo tài liệu có tên “Châu Á 2025”, trong đó phân tích 5 kịch bản xung đột có thể xảy ra giữa Mỹ và Trung Quốc. Vấn đề làm các tác giả báo cáo rất lo ngại, những suy nghĩ liên tục lặp đi lặp lại nói về mối đe dọa Trung Quốc: “...Trung Quốc là đối thủ thường trực của Mỹ”, “...một Trung Quốc ổn định và hùng mạnh sẽ luôn cố gắng thay đổi hiện trạng ở Đông Á” hoặc “...một Trung Quốc bất ổn và tương ứng là yếu ớt cũng sẽ nguy hiểm, bởi vì các nhà lãnh đạo [Trung Quốc]ư có thể muốn củng cố quyền lực của mình bằng cách đe doạ xâm lược quân sự ra nước ngoài”.
Kịch bản 1: Con bài Ấn Độ
Trong quá trình Pakistan bị mất ổn định (những nỗ lực như thế xảy ra thường xuyên), Islamabad sẽ mất quyền kiểm soát đối với một phần lãnh thổ, trong đó có Kashmir. Dehli sẽ đòi hỏi khôi phục chính quyền hợp pháp bằng cách trấn áp các phần tử cực đoan Hồi giáo.
Islamabad sẽ không thể thực hiện yêu cầu này, đáp lại, quân đội Ấn Độ sẽ chiếm Kashmir, Islamabad và Bắc Kinh sẽ yêu cầu Ấn Độ rút quân. Trung Quốc sẽ bắt đầu tập trung lực lượng trên biên giới với Ấn Độ.
Mỹ sẽ yêu cầu Bắc Kinh không can thiệp vào cuộc xung đột, một biên đội tàu Hải quân Mỹ sẽ được phái tới vịnh Bengal.
Dehli, nhằm tránh đòn tấn công có thể xảy ra bằng vũ khí hạt nhân từ phía Pakistan, sẽ tấn công bằng vũ khí phi hạt nhân vào các vũ khí hạt nhân và các mục tiêu nguyên tử của Pakistan.
Nhưng chiến dịch không thành công hoàn toàn và đáp lại, Islamabad tấn công quân đội Ấn Độ ở vùng biên giới bằng vũ khí hạt nhân chiến thuật và biện minh hành động này là do Ấn Độ xâm lược và nguy cơ mất chủ quyền.
Để ngăn chặn một cuộc chiến tranh hạt nhân quy mô lớn, Mỹ sẽ tiêu diệt kho vũ khí hạt nhân của Pakistan bằng cuộc tấn công đường không của vũ khí chính xác cao.
Trung Quốc không dám lập tức nhảy vào chống mặt trận chung Ấn-Mỹ, nhưng quan hệ với Mỹ chuyển sang giai đoạn chiến tranh lạnh, đối đầu gia tăng ở Viễn Đông và Đông Nam Á. Vào năm 2020, Pakistan biến mất, các mảnh vỡ của nó gia nhập Ấn Độ với tư cách các bang tự trị.
Kịch bản 2: Tân cộng đồng Trung-Ấn
Theo kịch bản này, Bắc Kinh và Dehli sẽ buộc phải gạt bỏ những mâu thuẫn cũ để duy trì ổn định ở khu vực eo biển Đông Nam Á, đối phó với chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo, trong khi vị thế của Mỹ trong khu vực tiếp tục suy yếu.
Ở kịch bản này, Indonesia sẽ tan vỡ, các lực lượng ly khai sẽ chiếm giữ hàng loạt mỏ hydrocarbon quan trọng, sự bài xích, truy bức gia tăng đối với cộng đồng người Hoa, chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo sẽ gia tăng, hoạt động hải tặc sẽ tăng mạnh ở các eo biển. Các cường quốc láng giềng sẽ nhận được mối đau đầu lớn.
Mỹ sẽ không chống lại điều đó và sẽ bắt đầu cắt giảm mạnh sự hiện diện của mình tại khu vực.
Kết quả là Dehli và Bắc Kinh phân định khu vực ảnh hưởng và tự mình “thiết lập trật tự”: Hải quân Ấn Độ sẽ thực hiện cuộc hành quân đường trường và thiết lập quyền kiểm soát đối với eo biển Malacca, hải quân Trung Quốc thiết lập quyền kiểm soát đối với eo biển Lombok và Sunda.
Ngoài ra, Trung Quốc sẽ giải quyết dứt điểm vấn đề quần đảo Trường Sa theo cách có lợi cho họ.
Trung Quốc và Ấn Độ sẽ cùng nhau trấn áp làn sóng cướp biển và cực đoan, sẽ bảo đảm an ninh cho giao thông hàng hải. Mỹ sẽ mất phần lớn vị thể tại vùng này của châu Á-Thái Bình Dương.
Kịch bản 3: Trung Quốc hành động
Theo kịch bản này, vào khoảng năm 2015, sẽ xảy xa xung đột vũ trang giữa hải quân Mỹ và Trung Quốc.
Trước đó là sự suy yếu vị thế của Mỹ trong khu vực, sau khi làn sóng dân tộc chủ nghĩa dâng cao trên bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản, Washington sẽ rút các căn cứ quân sự của mình khỏi đây.
Năm 2015, sẽ xảy ra một vụ khiêu khích vũ trang khi mà hải quân Trung Quốc tạo giả ra một cuộc tấn công quy mô lớn để đẩy bật lực lượng Mỹ. Chính phủ Mỹ, để tránh xung đột leo thang thành một cuộc chiến tranh quy mô lớn, sẽ rút hạm đội của mình để nhường vùng biển này cho Trung Quốc. Sau đó, Trung Quốc sẽ là độc bá phần Tây Thái Bình Dương.
Kịch bản 4: Trung Quốc bất ổn
Những bất ổn trong phát triển kinh tế sẽ dẫn tới một cuộc khủng hoảng kinh tế xã hội mạnh mẽ, làn sóng bãi công lan tràn các thành phố, các hoạt động phản đối ở Tây Tạng, Tân Cương và khu tự trị Nội Mông leo thang thành các cuộc nổi dậy vũ trang của lực lượng ly khai.
Ở Bắc Kinh xảy ra đảo chính quân sự, quân đội xiết chặt chính sách đối nội, đáp trả các cuộc nổi dậy bằng những cuộc hành quân tiễu phạt.
Để hướng sự chú ý của dân chúng khỏi các vấn đề nội địa, trong chính sách đối ngoại, Trung Quốc tạo ra “các hình ảnh kẻ thù” - bành trướng nhằm vào Indonesia (nước này mất đi sự toàn vẹn lãnh thổ), nêu ra những yêu sách lãnh thổ đối với Nga, Kazakhstan, đưa tình hình tới bờ vực chiến tranh. Trạng thái xung đột sẽ xảy ra với Việt Nam và Philippines. Mỹ sẽ gia tăng sự hiện diện quân sự trong khu vực.
Kịch bản 5: Một Trung Quốc hùng mạnh
Theo kịch bản này, Trung Quốc bằng con đường bành trướng kinh tế bắt đầu thống trị khu vực, Bắc Kinh trói buộc tất cả các nước láng giềng với mình bằng các quan hệ kinh tế vững chắc.
Vùng Biển Đông thực tế lọt vào tầm kiểm soát của hải quân Trung Quốc, các nước (Philippines, Việt Nam…) có tranh chấp lãnh thổ với Bắc Kinh không muốn xung đột mà tìm cách giải quyết tranh chấp bằng đàm phán, chủ yếu là nhượng bộ Trung Quốc.
Ấn Độ với tham vọng giành vai trò siêu cường thứ hai của khu vực, do nhiều điểm yếu nội tại của xã hội, kinh tế, sẽ nhượng bộ sau khi thỏa thuận phân chia “khu vực ảnh hưởng”.
Đài Loan mất dần quyền tự chủ và lọt vào vòng kiểm soát của Trung Quốc mà không cần chiến tranh.
Bắc và Nam Hàn bận bịu với nhau và các quá trình tái thống nhất nên không phải là một nguy cơ và không thể đóng vai trò lớn ở châu Á-Thái Bình Dương.
Nhật Bản, sau khi giành được sự bảo đảm về việc duy trì nguồn cung cấp thực phẩm và nguyên liệu (đi qua các tuyến đường biển) và sự bất khả xâm phạm về lãnh thổ sẽ giữ vị thế trung lập.
Dưới áp lực của Trung Quốc với sự ủng hộ của các chính quyền sở tại, Mỹ rút quân khỏi Nhật Bản và Hàn Quốc.
Phần lớn các nước châu Á-Thái Bình Dương thực tế trở thành chư hầu của Trung Quốc, Mỹ mất nhiều vị thế.
Xem ra kịch bản 5 này hiện đang được thực hiện.
Trung Quốc đang tăng cường sức mạnh kinh tế và quân sự, cuộc phiêu lưu của Mỹ với Pakistan đã thất bại. Những nỗ lực nhiều năm của Đài Loan để mua một lô tiêm kích F-16 Fighting Falcon của Mỹ cũng thất bại. Khi đàm phán, Bắc Kinh đã không cho phép người Mỹ làm việc đó.
Hiện nay, Bắc Kinh có tranh chấp lãnh thổ với một số nước láng giềng: “vấn đề Đài Loan” - Trung Quốc đòi yêu sách đối với toàn bộ Đài Loan, tranh chấp với Tokyo về quần đảo Senkaku (Điếu Ngư), tranh chấp quần đảo Hoàng Sa với Việt Nam và tranh chấp quần đảo có tầm quan trọng chiến lược Trường Sa cùng lúc với một số nước như Đài Loan, Việt Nam, Philippines... Mỹ ủng hộ gần như tất cả các địch thủ của Trung Quốc cả về ngoại giao, vũ khí, ở nhiều nước có triển khai các căn cứ quân sự của Mỹ.
Đã từng xảy ra một số trường hợp đối kháng vũ trang có khả năng leo thang thành xung đột nghiêm trọng. Ví dụ, năm 1996, đã xảy ra sự đối đầu khá quyết liệt giữa cụm tàu sân bay xung kích Mỹ và hải quân Trung Quốc ở gần Đài Loan. Các chuyên gia quân sự quốc tế hồi đó thừa nhận rằng, sự đối đầu này chút nữa gây ra sự va chạm nghiêm trọng giữa hai đại cường.
Theo thông tin của Mỹ, Hải quân Mỹ lúc đó đã ngăn chặn được các chiến hạm Trung Quốc xâm nhập vào hải phận Đài Loan, và để làm thế họ đã phải thực hiện mấy lần phóng tên lửa ngăn chặn.
Tháng 10.2006, gần đảo Okinawa của Nhật Bản lại diễn ra một sự cố nữa - một tàu ngầm lớp Tống của Trung Quốc bất ngờ nổi lên cách tàu sân bay Kitty Hawk ở cự ly tấn công bằng ngư lôi sau khi lọt qua các tàu hộ tống khiến các thủy binh Mỹ kinh ngạc. Người ta cho rằng, nếu là trong chiến đấu thì tàu sân bay Mỹ coi như đã bị tấn công bằng ngư lôi, còm tạm thời mới chỉ là coi như vậy. Trước sự cố này, các tàu ngầm Trung Quốc bị coi là lạc hậu, quá ồn để tránh né được sự phát hiện của các hệ thống thủy âm hiện đại của Mỹ, và sự kiện này đã buộc Mỹ phải xem xét lại các đánh giá về hạm đội tàu ngầm Trung Quốc.
Tháng 11.2007, xảy ra lần đối đầu mới giữa hải quân Trung Quốc và cụm tàu sân bay xung kích Mỹ ở eo biển Đài Loan kéo dài 2 ngày đêm. Theo thông của Mỹ, người Mỹ đã một lần nữa ngăn cản được hải quân Trung Quốc tiến tới bờ biển Đài Loan.
Tháng 6.2009, gần Philippines, một tàu ngầm Trung Quốc đã làm đứt lưới anten thủy âm do tàu khu trục John McCain của Hải quân Mỹ kéo theo trong khi tàu chiến Mỹ này đã không thể phát hiện kịp thời tàu ngầm Trung Quốc. Đây là việc làm cố ý hay tình cờ thì không ai biết được.
Chương trình xây dựng các cụm tàu sân bay xung kích của Trung Quốc thể hiện rõ tham vọng của nước này ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Họ đã bắt đầu thử nghiệm tàu sân bay “huấn luyện” đầu tiên và dự định hạ thủy thêm 2 tàu sân bay vào năm 2015. Quả thực, chúng còn lâu mới sánh nổi các con quỷ nguyên tử của Mỹ.
Tuy nhiên, năm 2015, Trung Quốc dự định khởi đóng một tàu sân bay hạt nhân đúng nghĩa, có tính năng không thua kém các tàu cùng loại của Mỹ. Các chuyên gia Mỹ cho rằng, Bắc Kinh có kế hoạch đóng không dưới 5 tàu sân bay hạt nhân.
Điều dễ hiểu là các nước láng giềng không hề vui mừng với những thông tin đó khi mà Mỹ đang suy yếu và ngày càng nhượng bộ, Trung Quốc thì tăng cường sức mạnh. Chính vì thế, Việt Nam đã thông báo xây dựng hạm đội tàu ngầm trong 6 năm tới mà nền tảng của nó là 6 tàu ngầm lớp Projekt 636 Varshavyanka mua của Nga năm 2009 trị giá 1,8 tỷ USD. Các tàu này do hãng Admiralteiskye Verfi ở St. Petersburg đóng, chiếc đầu tiên sẽ bàn giao cho Việt Nam vào năm 2014.
Nhật và Hàn Quốc đang đóng các tàu sân bay trực thăng mà thực chất là các tàu sân bay hạng nhẹ, có thể chở các máy bay cất/hạ cánh thẳng đứng.
Ấn Độ vào đầu năm 2012 dự định hạ thủy một tàu sân bay nội địa, một tàu sân bay khác đang được nâng cấp ở Nga.
Nga đã thông báo rằng, 2 tàu sân bay trực thăng lớp Mistrale mua của Pháp sẽ được biên chế cho Hạm đội Thái Bình Dương.
Tại châu Á-Thái Bình Dương đang diễn ra cuộc chạy đua vũ trang thực sự, không chỉ về vũ khí hải quân mà cả không quân và lục quân.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét