“Death by China“
Ngày 7-6
vừa qua, hai học giả ở Mỹ đã tổ chức cuộc hội thảo mang tên “Death by
China – Confronting the Dragon – A Global Call to Action” (tạm dịch
“Chết dưới tay TQ – Đối phó với con rồng, lời kêu gọi hành động toàn
cầu”) và ra mắt cuốn sách cùng tên nói về điều mà họ cho là mối đe dọa
lớn nhất đối với hòa bình thế giới hiện nay.
Trong buổi hội thảo, Tiến sĩ Peter
Navarro của Đại học California ở Irvine và chuyên gia về TQ Greg Autry
đã thay phiên nhau vẽ nên một bức tranh cận cảnh và rõ ràng về hiểm họa
mà chính sách của TQ đang mang đến cho thế giới. Trong phần trình bày
cặn kẽ, Tiến sĩ Peter Navarro khiến cử tọa bị thuyết phục rằng nếu tình
trạng hiện tại cứ tiếp diễn, thì nhân loại, hay trong một phạm vi hẹp
hơn, người dân và đất nước Mỹ, sẽ “chết dưới tay TQ”. Tại sao? Câu trả
lời đầy đủ nhất dĩ nhiên nằm trong tác phẩm “Death by China”
(deathbychina.com) hơn 250 trang, kết quả của hơn 2 năm nghiên cứu,
phỏng vấn và những chuyến viếng thăm nhiều miền khác nhau trên đất nước
TQ của cả hai tác giả và phụ tá của họ.
Với 16 chương, “Death by China” được
chia làm hai phần chính, gồm lập luận cũng như dẫn chứng về hiểm họa TQ
và lời kêu gọi một số hành động mà cả chính quyền, giới đầu tư lẫn người
tiêu thụ Mỹ cần phải làm ngay, để có thể tránh được hiểm họa này. Hai
tác giả Navarro và Autry lập luận rằng, Mỹ sẽ bị chết dưới tay TQ vì
nhiều lý do. Thứ nhất, người tiêu thụ sẽ bị hàng hóa độc hại của TQ giết
dần giết mòn; thứ hai, chính sách cạnh tranh bất chính của TQ tạo nên
một loạt những “vũ khí” được sử dụng một cách có hệ thống để tiêu diệt
nền kinh tế của các quốc gia khác, nhất là nền kinh tế Mỹ; thứ ba, biện
pháp cho gián điệp xâm nhập vào nước Mỹ, ăn cắp bí mật quốc phòng cộng
với việc ngày càng tăng ngân quỹ quốc phòng, sẽ khiến TQ chỉ trong vài
năm nữa có thể đuổi kịp, rồi vượt qua Mỹ về sức mạnh quân sự; thứ tư,
chính sách tìm đủ mọi cách để chế tạo ra hàng hóa với giá thành rẻ nhất,
TQ sẽ hủy hoại môi sinh tàn tệ và nhanh chóng đến mức khó có thể nào
cứu gỡ được.
Dẫn chứng sự độc hại và nguy hiểm của
hàng hóa TQ, “Death by China” đưa ra hàng loạt những thí dụ như melamine
trong sữa, melamine trong thức ăn cho chó mèo, quần áo cho trẻ em dễ
bốc cháy, thuốc aspirin chứa độc tố, thuốc lipitor và viagra giả, chất
arsenic trong nước ngọt, chất chì trong trà, than giả, nôi em bé chỉ
dùng vài lần là gãy thành khiến nhiều em bé bị ngã gãy cổ, trẹo sườn,
điện thoại di động bị phát nổ, đồ nhựa chứa độc tố, ghế sofar bị xịt đầy
chất “dimethyl fumarate” gây bệnh ngứa ngoài da kinh niên, những món ăn
chứa đầy chì, vòng đeo cổ và đồ chơi gây khó thở…
Những dẫn chứng về sự cạnh tranh bất
chính cũng nhiều không kém. Trước tiên, TQ đập tan những quy ước về cả
tự do mậu dịch lẫn thương mại bằng chính sách “vừa con buôn thủ lợi, vừa
bảo vệ nền công nghệ nội địa” bằng cách đổ tiền của nhà nước vào từng
nền công nghệ mà họ muốn cạnh tranh với Mỹ và cướp đi công việc của
người dân Mỹ. Còn những vũ khí được sử dụng có hệ thống để giết hại nền
kinh tế của Mỹ thì sao? Theo “Death by China”, các vũ khí này gồm việc
hỗ trợ cho các hàng xuất khẩu vi phạm luật của WTO, sản xuất hàng giả,
đánh cắp kỹ thuật, hoàn toàn không quan tâm đến những cách sản xuất có
hại cho môi sinh và ngược đãi công nhân, biến họ thành lao nô.
Điểm then chốt của chính sách con buôn
trục lợi bất chấp các quy ước của WTO mà TQ đã ký kết là việc thao túng
hối suất, khiến hàng nhập vào TQ có giá thành rất cao, tạo cho Mỹ một
nguy cơ như quả bom nổ chậm: thâm thủng mậu dịch hàng năm lên đến gần 1
tỉ USD.
Cùng lúc đó, bất cứ công ty nào muốn
bước vào thị trường, được Chính phủ TQ bảo hộ kỹ càng để bán hàng cho
dân địa phương phải chịu số phận chung là dần dà sẽ bị đánh cắp hết kỹ
thuật và phát minh. Trường hợp của Google China là một ví dụ điển hình.
Lý do là luật của TQ đòi hỏi các công ty muốn vào nước họ phải chuyển bộ
phận nghiên cứu và phát triển đến đó.
Ngoài ra, một vài thống kê trong “Death
by China” cũng làm độc giả giật mình. Kể từ khi TQ gia nhập WTO năm
2001, chủ trương “con buôn trục lợi và bảo vệ công nghệ nội địa” của họ
đã khiến nhiều ngành công nghiệp của Mỹ, như may mặc, bàn ghế, hóa chất,
giấy, sắt, bánh xe, bị thu nhỏ lại còn một nửa. Riêng công nghiệp dệt
bị triệt tiêu hơn 70%. Theo Navarro và Autry, trong vòng 10 năm qua, TQ
lấy đi của Mỹ mỗi năm 1 triệu công ăn việc làm.
Vũ khí cuối cùng trong chính sách thâm độc của TQ là việc mà hai tác
giả của “Death by China” gọi là “xâm lăng” hay “chiếm lãnh thuộc địa”
khắp nơi bằng cách lạm dụng tự do mậu dịch để giành lấy tài nguyên của
các quốc gia đang phát triển. Một kịch bản quen thuộc được Navarro và
Autry vẽ nên: một ông TQ bụng phệ, mang ngân phiếu đến một quốc gia
nghèo khó nào đó, và hứa sẽ cho quốc gia đó mượn một số tiền khổng lồ
với tiền lời rẻ mạt để “giúp” xây cất đường sá hay canh tân quân đội.
Đổi lại, quốc gia này chỉ cần làm hai điều rất nhỏ cho Bắc Kinh: trao
hết quyền khai thác tài nguyên, đồng thời cho phép TQ được quyền bán
những sản phẩm được chế tạo bởi chính những tài nguyên vừa khai thác
được từ nước này cho người tiêu thụ quanh vùng. Những hợp đồng loại này
biến quốc gia vừa ký kết cho TQ khai thác tài nguyên trở thành thuộc địa
của họ. Cả thị trường cũng của TQ nốt.
Navarro và Autry dành hẳn 4 chương trong
cuốn “Death by China” để nói về sự nguy hiểm của sự phát triển sức mạnh
quân sự TQ, mà theo hai ông, cũng bằng phương pháp bất chính. Theo
“Death by China” thì “Ngũ Đài Giác” của TQ hiện đang lặng lẽ tiến hành
công việc chế tạo những vũ khí tối tân mà họ đã đánh cắp kỹ thuật từ Mỹ,
qua đoàn quân gián điệp hùng hậu của họ. Những vũ khí có cả tên lửa
nhắm vào việc bắn hạ vệ tinh, tiêu diệt hàng không mẫu hạm của Mỹ, hay
bắn sâu vào nội địa Mỹ.
Nói đến sự hiếu chiến của TQ, Navarro và
Autry tả lại cuộc biểu diễn không lực tại Zhuhai, trong đó nước này đã
trưng bày mô phỏng một chiếc máy bay không người lái nhắm vào một hàng
không mẫu hạm của Mỹ và nói rằng với loại máy bay này, hàng không mẫu
hạm của Mỹ, trung bình mang theo khoảng 5.000 lính hải quân có thể bị
tên lửa của TQ nhắm bắn dễ dàng. Hơn thế nữa, TQ đã cho chiếc máy bay
tàng hình J-20 của họ bay thử lần đầu tiên tại Chengdu ngay trong chuyến
viếng thăm TQ của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates vào tháng
1-2011. Navarro và Autry cho biết, sở dĩ TQ đã làm như thế là vì muốn
chọc vào mắt của ông Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, là vì chính ông Gates đã
từng công khai tuyên bố là phải đến năm 2020 TQ mới chế nổi một chiếc
máy bay như vậy. Thật ra giữa J-20 và F-22, máy bay nào chiến hơn là vấn
đề còn đang được tranh cãi. Câu hỏi quan trọng hơn được đặt ra là nhờ
đâu TQ đã có những bước tiến nhanh như vậy trong việc chế tạo máy bay
tàng hình? “Death by China” trích lời Đô đốc Davor Domazet-Loso, Tham
mưu trưởng Bộ Quốc phòng Croatia, nói rằng, TQ đã đánh cắp kỹ thuật máy
bay tàng hình của Mỹ bằng cách mua lại mảnh của một máy loại này của Mỹ
bị bắn rơi ở Serbia năm 1999.
Sự cạnh tranh của Hải quân TQ với Hải
quân Mỹ cũng ráo riết không kém và theo “Death by China” thì nhiều nỗ
lực được nhắm vào việc chế tạo những đầu tên lửa nhằm tiêu diệt hàng
không mẫu hạm của Mỹ. Về mặt gián điệp, “Death by China” cảnh báo rằng
với khoảng 750.000 người TQ vào Mỹ mỗi năm, mục đích tối thượng của
ngành tình báo TQ là nhắm vào Chính phủ Mỹ và kỹ thuật quốc phòng để
đánh cắp dữ liệu đưa về TQ. Phải làm gì để không “bị chết bởi TQ”? Theo
Navarro và Autry, điều đầu tiên là mọi người tiêu thụ phải thay đổi nhận
thức để hiểu rằng những món hàng TQ có rẻ thật không, an toàn không, sẽ
tốn bao nhiêu tiền để chữa bệnh hay sửa chữa… Navarro và Autry nhấn
mạnh rằng Chính phủ Mỹ cần xem xét lại chính sách đối ngoại với TQ. Jon
Gallinetti, Thiếu tướng Thủy quân Lục chiến Mỹ hồi hưu, nói rằng: “Các
nhà lãnh đạo chính trị và quân sự phương Tây nên đọc ngay cuốn sách
này!”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét