VietNam Military Power

Thứ Sáu, 13 tháng 4, 2012

Giải mã thiết kế tàu chiến Việt Nam

 Hải quân Việt Nam tiếp nhận tàu pháo HQ-272 do Công ty đóng tàu Hồng Hà đóng theo thiết kế dựa trên "thiết kế sơ bộ của nước ngoài". Một số nguồn tin nước ngoài khẳng định đó là thiết kế của Nga, song có nguồn lại cho đó là thiết kế tàu tuần tra Lan (Lan A) của Ukraine.
HQ-272 chạy thử nghiệm trên biển
Theo báo chí Việt Nam, sáng 16.1.2012, tại thành phố Hải Phòng, Hải quân Việt Nam đã tiếp nhận tàu pháo HQ-272, tàu đầu tiên thuộc lớp TT400TP, do Công ty đóng tàu Hồng Hà (Nhà máy 173, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng) ở Hải Phòng đóng.

Như tin đã đưa, lớp ТТ400ТР được công ty Hồng Hà phát triển trên cơ sở “thiết kế sơ bộ mua của nước ngoài”. Hãng đóng tàu Việt Nam không giấu giếm việc các chuyên gia của họ đã được đào tạo ở nước ngoài, nhưng không nói nước nào.

Một số nguồn tin Nga cho rằng, thiết kế này do Công ty cổ phần “Viện thiết kế hàng hải trung ương TsMKB Almaz” của Nga phát triển trên cơ sở thiết kế tàu tên lửa Projekt 1041.2 Svetlyak mà Nga đã bán cho Việt Nam. Theo Armstrade, TT400TP giống với thiết kế Projekt 10412 và BPS-500.

Armstrade cho biết, Việt Nam đang thực hiện với sự hỗ trợ của các nhà thiết kế Nga các dự án đóng 2 loại tàu cho Hải quân là tàu tuần tra dài 54 m và tàu đổ bộ dài 71 m. Có lẽ tàu tuần tra dài 54 m chính là nói đến TT400TP?

Theo bmpd ngày 29.1, thì thiết kế TT400TP có thể dựa trên thiết kế tàu tuần tra Lan (có nguồn viết là Lan A) do Trung tâm Nghiên cứu thiết kế đóng tàu ở Nikolayev, Ukraine phát triển dưới sự bảo trợ của liên doanh Anh-Ukraine Fast Craft Naval Supplies (UK) Limited (http://www.fastcraftnavalsupplies.com/) và đang được liên doanh này xúc tiến thương mại. Thực tế liên doanh này do hãng xuất khẩu vũ khí nhà nước Ukraine Ukrspecexport cùng với các đối tác Anh và Thổ Nhĩ Kỳ thành lập để xúc tiến các sản phẩm của ngành đóng tàu quân sự Ukraine ở các nước thứ ba.
HQ-272 đang chạy thử nghiệm (trên) và tại lễ bàn giao (giữa) và hình ảnh thiết kế tàu tuần tra Lan (Lan A) của Ukraine
Hai tàu tuần tra lớp Projekt 10412 mang số hiệu nhà máy 044, 045 tại Nga 
trước khi bàn giao cho Việt Nam ngày 20.10.2011
Qua các hình ảnh đăng tải công khai bởi báo chí Việt Nam và nước ngoài trên đây, có thể thấy HQ-272 rất giống thiết kês Lan của Ukraine và không giống lắm thiết kế Projekt 10412 của Nga.
Tàu chiến HQ 272 tại lễ bàn giao
Nguồn tin này cũng cho biết, trước khi đóng HQ-272 cho Hải quân Việt Nam, công ty Hồng Hà còn đóng 3 tàu theo cùng thiết kế nhưng với hệ thống vũ khí rút gọn (mỗi tàu được trang bị 2 ụ pháo 2 nòng 25 mm 2М-3М) cho Cảnh sát Biển Việt Nam. Thiết kế này được thực hiện ở Việt Nam với sự trung gian của Ukrinmash. Các tàu Việt Nam cũng được trang bị hệ thống radar Kaskad với radar Delta-М của Viện nghiên cứu Kvant-Radilokatsya ở Kiev.
Tàu chiến mang số hiệu 4031 của Cảnh sát Biển Việt Nam 
cũng được cho là được Việt Nam đóng theo thiết kế Lan của Ukraine
Trước đó, báo chí Việt Nam đưa tin, HQ 272 được khởi đóng từ ngày 22.4.2009, theo phương pháp tiên tiến nhất trên thế giới... Cuối tháng 9.2011, tàu chính thức được nghiệm thu thành công.

Sau thời gian đóng 2 năm, HQ-272 đã chạy thử và bắn nghiệm thu đạn thật, mọi thông số đều đảm bảo theo thiết kế. Tàu được Quân chủng Hải quân, các cơ quan thiết kế và Hội đồng nghiệm thu của Bộ Quốc phòng đánh giá cao về chất lượng kỹ thuật, mỹ thuật, đạt được đầy đủ tính năng kỹ-chiến thuật theo phê duyệt của Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam.

Theo Giám đốc hãng đóng tàu Nguyễn Văn Cường, giá của một tàu TT400TP ước khoảng 1 triệu USD, trong khi một tàu tương tự trên thị trường thế giới có giá đến 10 triệu USD. Nhưng theo đánh giá của Jane’s, giá một tàu như vậy là 15-20 triệu USD.

Chuẩn đô đốc Phạm Ngọc Minh, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Hải quân, cho biết, tàu HQ-272 sẽ góp phần làm tăng sức mạnh chiến đấu cho Hải quân Việt Nam và quan trọng nhất là Việt Nam từng bước làm chủ được công nghệ đóng tàu, tạo thế chủ động trong việc đảm bảo kỹ thuật, trang bị, phương tiện, vũ khí phục vụ nhiệm vụ quốc phòng an ninh.

Ông Phạm Ngọc Minh cho biết, nhiệm vụ của HQ-272 là tuần tiễu tại vùng biển Việt Nam. Tàu sẽ thực hiện những chuyến tuần tra nhằm bảo vệ chủ quyền vùng biển, hải đảo và thềm lục địa của Tổ quốc.

Theo Armstrade, nhiệm vụ chính của TT400TP là tác chiến chống tàu nổi đối phương, bảo vệ căn cứ chống tàu đổ bộ, hộ tống tàu dân sự và tuần tra vùng biển chủ quyền.
Từ trên xuống: buồng lái, bàn điều khiển radar và pháo hạm Ak-176 trên HQ-271
Tàu có thiết kế rất hiện đại, có nhiều đặc tính ưu việt khi tác chiến trên biển, được trang bị vũ khí, khí tài hiện đại như: pháo AK-176, pháo AK-630, tổ hợp tên lửa phòng không tầm thấp, hệ thống radar, hệ thống nhận biết địch-ta, hệ thống quang-điện tử,... Tàu có thể hoạt động liên tục trên biển 30 ngày đêm, có khả năng tác chiến trong điều kiện gió cấp 9-10 và sóng cấp 8, tầm hoạt động 2.500 hải lý.

Còn theo bmpd, thiết kế ТТ400ТР được Việt Nam phát triển từ năm 2006. Tàu đầu tiên HQ-272 được khởi đóng tại Công ty Hồng Hà ngày 22.4.2009, hạ thủy ngày 8.5.2011 và bàn giao để thử nghiệm vào tháng 6.2011, ngày 16.1.2012 được đưa vào biên chế Hải quân Việt Nam. 

Tàu ТТ400ТР có chiều dài 54,16 m, chiều rộng 9,16 m, mớn nước 2,7 m, tốc độ đến 32 hải lý/h. Lượng giãn nước đầy đủ 400 tấn, cự ly hành trình 2.500 hải lý, thời gian hoạt động liên tục trên biển đến 30 ngày đêm.

TT400TP được trang bị các hệ thống điều khiển động cơ, chỉ huy chiến đấu và dập lửa hiện đại. Theo các bức ảnh, có thể đoán, tàu được trang bị 2 động cơ diesel, vũ khí phần lớn có nguồn gốc Nga.

Tàu được trang bị một số loại vũ khí Nga như 1 ụ pháo tự động vạn năng 76 mm АК-176 và 1 ụ pháo tự động vạn năng 6 nòng 30 mm АК-630 với hệ thống radar điều khiển hỏa lực (có thể là MR-123-02 Bagira) lắp trên cột tàu với máy đo xa laser và radar dẫn đường Furuno. Tàu còn được trang bị các súng máy và các bệ phóng tên lửa phòng không mang vác Igla. Trên mạn phải có giá xếp một xuồng cao su.

Trên hai bức ảnh chụp HQ-272 tại lễ bàn giao thấy rõ bên cạnh tàu này là một tàu cùng loại mà bề ngoài dường như đã đóng xong. Có tin Việt Nam có kế hoạch đóng tàu thứ ba.

Theo Jane’s Navy International, Việt Nam đang đóng tàu thứ hai lớp TT400TP và dự định đóng tàu thứ ba, có lẽ là theo thiết kế cải tiến trên cơ sở sử dụng kinh nghiệm thu được và các công nghệ nội địa. 

Báo chí Việt Nam cũng đưa tin HQ-272 đây là tàu chiến (hiện đại) đầu tiên do Việt Nam sản xuất. Nhưng theo bmpd, thực chất, ngành đóng tàu quân sự Việt Nam có lịch sử khá lâu dài và HQ-272 không phải là sản phẩm đầu tiên của họ. 

Trong những năm 1977-1980, Nhà máy đóng tàu Ba Son ở thành phố Hồ Chí Minh đã đóng 2 tàu tuần tra HQ-251 (lớp ТР-01) và HQ-253 (lớp cải tiến ТР-01М) bề ngoài giống với các tàu lớp 062 của Trung Quốc và các tàu chống ngầm cỡ nhỏ Projekt 201М của Liên Xô.
HQ-252 và HQ-253 - những chiến hạm đầu tiên do Việt Nam tự đóng
Sau đó, Việt Nam đã đóng các tàu tuần tra và đổ bộ cỡ nhỏ. Năm 1996-2001, theo thiết kế và với sự giúp đỡ của Viện thiết kế Phương Bắc (SPKB) của Nga, Nhà máy Ba Son đã đóng tàu tên lửa HQ-381 lớp BPS-500. Nhưng có lẽ do thiết kế này kém thành công nên Việt Nam đã quyết định bắt đầu đóng tại Nhà máy Ba Son theo giấy phép của Nga các tàu tên lửa lớp Projekt 1241.8.
Xuồng đổ bộ ST1200 do Việt Nam đóng. Công ty 189 ở Hải Phòng đang đóng các xuồng đổ bộ ST1200. Biến thể dân sự của ST1200 có tên ST1200CN. ST1200 có chiều dài 12,80 m; chiều rộng 3,60 m; mớn nước 0,45 m; chở được 31 người; trọng tải 2,5 tấn, tốc độ 30 hải lý/h; động cơ Yamaha 420 - 2x240CV; vỏ tàu bằng nhôm
Năm 2011, Nhà máy đóng tàu 189 ở Hải Phóng đã đóng hoàn thành tàu vận tải HQ-571 Trường Sa mà người ta dự đoán là theo thiết kế của tập đoàn đóng tàu Hà Lan Damen. Theo Jane’s, HQ-571 Trường Sa là tàu đổ bộ nội địa đầu tiên của Việt Nam mà theo Bộ Quốc phòng Việt Nam là tàu lớn nhất được thiết kế và đóng ở Việt Nam, được hạ thủy tại Nhà máy Z189 ở Hải Phòng ngày 5.10.2011. Tàu được đưa vào biên chế Hải quân Việt Nam vào đầu năm 2012.

HQ-571 có lượng giãn nước gần 2.000 tấn. có thể chở 180 người, tốc độ tối đa 16 hải lý/h, cự ly hành trình 2500 hải lý, thời gian đi biển đến 40 ngày đêm. 
HQ-571 Trường Sa - tàu đổ bộ cỡ lớn đầu tiên của Việt Nam
  • Nguồn: Thông tin và ảnh trích từ QĐND, VNE, VOV, 16.1.12, Armstrade, 18.1.12, bmpd, 18, 29.1.12, baodatviet.vn, dtinews.vn, MP, fastcraftnavalsupplies.com, giaoduc.vn, 189shipbuilding.com.vn.

1 nhận xét:

  1. Cuộc chiến 10.000 ngày (Full 13 tập)
    Short URL: https://goo.gl/43m274

    Trả lờiXóa