VietNam Military Power

Chủ Nhật, 18 tháng 9, 2011

Bán tàu Varyag cho Trung Quốc - sự ngây thơ hay tính toán chiến lược?

Tàu sân bay đóng dở Varyag mua từ Ukraine gần 13 năm trước sẽ làm thay đổi cán cân sức mạnh ở khu vực Nam Á.

Dường như đó là ý nghĩa của những bài báo đăng trong tuần qua trên nhiều báo chí nước ngoài. Chuyện nói về tàu sân bay Varyag năm 1998 được Ukraine bán đi với giá 20 triệu USD cho hãng Chong Lot ở Macao. Một trong những điều kiện chủ yếu của hợp đồng là người mua bảo đảm không sử dụng Varyag theo chức năng trực tiếp của nó, - hãng Macao công bố kế hoạch cải tạo nó thành sòng bạc nổi.

Nhưng 13 năm trôi qua và Trung Quốc, mà Macao là bộ phận không tách rời của nó vào năm 1999, cuối cùng đã thừa nhận rằng, con tàu của Ukraine được đóng hoàn thiện và sẽ trở thành... tàu sân bay đầu tiên của hải quân Trung Quốc(!). Thông tin này là kháu mâu thuẫn đối với Ukraine - thoạt nhìn, tất cả có vẻ như người Trung Quốc đã “xỏ mũi” Ukraine, nhưng nếu như tìm hiểu thì có thể tìm thấy những lý do nào đó để mà tự hào...

Tàu Thi Lang vừa ý nghĩa biểu tượng của sức mạnh Trung Hoa
vừa là công cụ hăm dọa các nước nhỏ ở Đông Nam Á


Ngây thơ hay tính toán chiến lược?

Mùa xuân năm nay, chính phủ Trung Quốc xác nhận chính thức rằng, tàu Varyag nay được đổi tên thành Thi Lang sẽ là tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc, nhưng bổ sung là tàu này sẽ là tàu huấn luyện. Dự kiến nó sẽ ra khơi vào mùa thu  2011. Nói về khái niệm “huấn luyện” thì nó có ý nghĩa ước lệ giống như máy bay huấn luyện-chiến đấu có thể là máy bay huấn luyện cũng như máy bay chiến đấu. Không còn nghi ngờ gì nữa, Thi Lang có thể được sử dụng như một đơn vị tàu chiến đấu, chứ không chỉ là bệ mang huấn luyện.

Vì thế, nhiều báo chí phương Tây đăng tải các bài báo bày tỏ lo ngại về việc Thi Lang sẽ làm thay đổi sự bố trí lực lượng ở khu vực Thái Bình Dương và sẽ là cái cớ phát động cuộc chiến tranh lạnh trên biển bởi vì Bắc Kinh không giấy giếm ý muốn đối chọi sức mạnh quân sự Mỹ. Ukraine trong các bài báo này nếu có được nhắc đến thì cũng qua loa với tư cách quốc gia đã bán tàu Varyag cho Trung Quốc. Nhưng cũng không ai nhớ ra là khách hàng mua tàu đã hứa không sử dụng nó vào mục đích quân sự. Có lẽ, Ukraine cần nhớ ra chuyện này bởi chính Ukraine được người ta hứa hẹn, hoặc là tất cả không đơn giản như thế và ban lãnh đạo Ukraine khi đưa ra quyết định bán Varyag đã hiểu rõ nó được mua để làm gì?

Theo Giám đốc các chương trình nghiên cứu của Trung tâm Hỗ trợ nghiên cứu các vấn đề địa chính trị và hợp tác Châu Âu-Đại Tây Dương khu vực Biển Đen NOMOS, ông Pavel Lakyichuk, thì sẽ là ngu ngốc nếu cáo buộc Trung Quốc vi phạm điều kiện mua bán tàu Varyag. “Chúng ta đã bán tàu không phải cho Trung Quốc mà là Macao, vốn nay không còn tồn tại như một thể chế nhà nước độc lập, còn Trung Quốc thì chẳng cam kết gì với chúng ta cả”, - chuyên gia này nói.

Ông cũng nhận xét rằng, 13 năm trước, người Mỹ chẳng lo lắng gì mấy với chuyện bán tàu Varyag vì họ không thể tin là Trung Quốc có thể xử lý được với dự án này. “Trung Quốc lúc đó chẳng hề có kinh nghiệm lẫn công nghệ, còn điều quan trọng nhất là họ không có tiêm kích trên hạm, mà không có nó thì đóng tàu sân bay chẳng còn ý nghĩa gì cả. Hiện nay, Trung Quốc có mọi cái cần thiết. Không được quên là sự xuất hiện của tiêm kích trên hạm Trung Quốc J-15 vốn làm nhái Su-33 của Nga cũng không thể không có sự tham gia của Ukraine. J-15 do các công trình sư Trung Quốc chế tạo dựa trên mẫu tiêm kích chế thử Т10К bị bỏ lại Ukraine sau khi Liên Xô sụp đổ và đã được bán cho Trung Quốc năm 2005”, - ông P. Lakyichuk nói.

Khi đánh giá sự đóng góp của Ukraine vào việc đóng hoàn thiện tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc, ông nhấn mạnh rằng, khi tiến hành công việc cải tạo tàu này, Trung Quốc đã huy động các chuyên gia của Nhà máy đóng tàu Biển Đen và hãng Ukrspetsexport làm tư vấn. Như vậy, có thể nói rằng, sự hợp tác kỹ thuật quân sự trong lĩnh vực tàu sân bay giữa Ukraine và Trung Quốc không hề chỉ hạn chế ở khoản tiền 20 triệu USD mà phía Trung Quốc đã thanh toán cho tàu Varyag. “Tổ hợp khoa học-sản xuất chế tạo turbine khí Nikolayev Zorya-Mashprojekt đã cung cấp hệ thống động cơ cho tàu Varyag đóng hoàn thiện, còn nay người Trung Quốc đang đàm phán về việc cung cấp động cơ Ukraine cho tàu sân bay thứ hai của Trung Quốc hiện đang được phát triển”, - vị chuyên gia cho biết.

Theo ông, cần đánh giá cao phương pháp tiến hành hợp tác kỹ thuật quân sự của Trung Quốc. “Khi mua tàu sân bay đóng dở ở Ukraine, Trung Quốc đã nhận được không chỉ con tàu bằng sắt, mà là quy trình phát triển và đóng những con tàu như vậy. Họ đã nhận được hầu như toàn bộ kinh nghiệm của Liên Xô trong lĩnh vực đóng tàu sân bay, kể cả phương pháp đào tạo phi công tàu sân bay. Sau khi nghiên cứu Trung tâm khoa học-thử nghiệm máy bay hạm tàu NITKA của Ukraine, Trung Quốc đã xây dựng một tổ hợp của họ để huấn luyện phi công, dĩ nhiên là có thực hiện những thay đổi nhất định”, - ông Lakyichuk nói.

Ông P. Lakyichuk cho rằng, với việc hạ thủy tàu sân bay Thi Lang, chương trình đóng tàu sân bay của Trung Quốc sẽ bước lên trình độ mới về chất và sẽ tiếp tục phát triển. Varyag về bản chất là một tàu đã lỗi thời và việc đóng hoàn thiện nó sẽ chỉ là giai đoạn đầu của chương trình này, mục tiêu chính của Trung Quốc là xây dựng hạm đội tàu sân bay của mình và có khả năng thể hiện sự hiện diện của mình ở bất cứ nơi nào trên đại dương thế giới. Ukraine với tư cách một quốc gia có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực đóng tàu chở máy bay, có những cơ hội tốt để tiếp tục hợp tác với Trung Quốc trong lĩnh vực này. Dĩ nhiên là sự hợp tác sẽ rất hạn chế, bởi vì phần do Ukraine làm được trong các tàu sân bay Liên Xô chỉ là thân tàu và động cơ, chứ vũ khí cho tàu sân bay không được sản xuất ở Ukraine”, - ông cho biết thêm.

Như vậy, việc bán tàu Varyag cần được coi không phải là một trong những trường hợp tầm thường trong lịch sử xuất khẩu vũ khí bão táp của Ukraine mà là một bước đi có tính toán, đặt nền tảng cho sự hợp tác lâu dài với Trung Quốc trong lĩnh vực đóng tàu quân sự. Một trong những bằng chứng xác nhận điều đó là hợp đồng đóng cho Trung Quốc 4 tàu đổ bộ đệm khí Zubr mà công ty đóng tàu Morie ở Feodosya đang thực hiện.

Con đường hợp tác kỹ thuật quân sự với Trung Quốc có những đặc điểm của nó và ít khi chỉ là hình thức mua những mẫu trang bị nào đó của Ukraine mà thường kèm theo việc chuyển giao công nghệ sản xuất nó ở Trung Quốc. Song với cách tiếp cận đúng đắn đối với việc này thì có thể kiếm khối tiền ở đây.

Nhưng dĩ nhiên là vấn đề uy tín cũng có ý nghĩa không kém vì trang bị cho hạm đội của một quốc gia đang vươn lên mạnh mẽ thành cường quốc dẫn đầu thế giới thì có lẽ điều đó cũng rất đáng giá, nhất là đối với Ukraine với quy chế không tham gia các liên minh.

Mỹ cần giúp Đông Nam Á tăng cường sức mạnh hải quân

Vừa trở về từ Đông Nam Á, chiều 20/6 (giờ địa phương), TNS John McCain đã có bài phát biểu tại hội nghị “An ninh hàng hải trên Biển Đông” tại Washington, Mỹ, nhấn mạnh Mỹ cần giúp Đông Nam Á tăng cường sức mạnh hải quân trước một Trung Quốc hành xử hiếu chiến, yêu sách tham lam, thiếu căn cứ trên Biển Đông.

Hội nghị do Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế CSIS tổ chức trong hai ngày 20-21/6 với sự tham gia của các học giả và giới làm chính sách nhiều nước, cả Mỹ, Trung Quốc, ASEAN, Nhật Bản, Ấn Độ…

“Hành xử hiếu chiến, yêu sách tham lam”

Trong bài phát biểu cuối ngày thảo luận đầu tiên 20/6, TNS John McCain nói với kinh nghiệm gần như cả cuộc đời làm việc về vấn đề an ninh châu Á-Thái Bình Dương (CA-TBD), ông chia sẻ mối lo ngại về khả năng Biển Đông trở thành một điểm nóng.

Vài năm trở lại đây, Biển Đông đã có sự leo thang căng thẳng. Tình hình đòi hỏi phải “nói chuyện thẳng thắn” giữa các bên.

Vị TNS Mỹ chỉ rõ: “Nguyên do chính làm căng thẳng gia tăng và khiến cho việc đạt được một giải pháp hòa bình ở Biển Đông bị bế tắc chính là “hành xử mang tính hiếu chiến” và “yêu sách tham lam, thiếu căn cứ" của Trung Quốc ở Biển Đông”.

TNS McCain: Mỹ cần giúp ASEAN "xây dựng khả năng phòng thủ và phát hiện trên biển".


Theo ông John McCain, tình hình Biển Đông sẽ mang tính quyết định trong việc định dạng sự phát triển khu vực CA-TBD trong thế kỉ này.  Và Mỹ cần can dự tích cực.

Ông cũng nhắc lại thực tế Trung Quốc có những hoạt động ở Biển Đông dựa trên các “quyền tự phong” ngay cả ở vùng 200 hải lý tính từ đường cơ sở của các quốc gia khác, như các sự kiện mới đây liên quan đến Việt Nam và Philippines.

Cái mà Trung Quốc gọi là bản đồ đường yêu sách 9 đoạn hình chữ U bao gồm tất cả các đảo trên Biển Đông, và vùng nước bao quanh 200 hải lý với các đảo đều gọi là vùng lãnh hải cũng không dựa trên luật pháp quốc tế, TNS Mỹ nói.

Cách giải thích luật quốc tế của Trung Quốc làm cản trở tự do hàng hải, tạo nên cuộc chiến pháp lý ở Biển Đông.

Duy trì cân bằng chiến lược ở châu Á là lợi ích quốc gia của Mỹ

TNS John McCain cũng đặt thẳng vấn đề, sẽ không ít người Mỹ đặt câu hỏi, tại sao người Mỹ lại phải quan tâm đến chuyện này, trong khi bản thân Mỹ đã can dự vào 3 cuộc chiến và kinh tế trong điều kiện bất ổn?

Ông lý giải, trước hết vì sự gắn kết kinh tế, khu vực  Đông Nam Á (ĐNA) là nguồn cung quan trọng về lao động và tài nguyên, mang lại lợi ích cho nhiều người Mỹ.

Nhưng lớn hơn là vấn đề chiến lược. Cán cân chiến lược đang nghiêng về châu Á, với nhiều quốc gia đang nổi, trở nên mạnh và giàu có hơn.

“Mỹ có lợi ích quốc gia trong việc duy trì một cân bằng chiến lược phù hợp ở khu vực quan trọng này”, ông John McCain nói. Ông lưu ý, nếu một nước có thể “bắt nạt” nước khác, áp đặt các yêu sách chủ quyền của mình bằng việc sử dụng vũ lực, nó sẽ biến Biển Đông thành vùng biển không thể qua lại đối với các tàu thương mại và tàu quân sự, bao gồm cả của Mỹ…

Việc này sẽ làm suy yếu luật pháp quốc tế. Các nước mới nổi có thể phô diễn sức mạnh bằng vũ lực và các biện pháp hòa bình không thể bảo vệ được ai. Sẽ đến một ngày Hải quân Mỹ không thể qua lại và hoạt động an toàn ở Tây TBD.

Giúp ASEAN tăng sức mạnh hải quân

TNS John McCain cũng nhắc lại quan điểm của Mỹ về vấn đề Biển Đông: giải quyết bằng đàm phán đa phương. Mỹ sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho những cuộc đàm phán như vậy.

Ông cũng nói rõ, vấn đề Biển Đông chủ yếu là quan hệ của Trung Quốc với láng giềng, không phải là chuyện quan hệ Mỹ-Trung, tuy nhiên, Mỹ cần tiếp tục làm rõ chỗ đứng của Mỹ về việc những tuyên bố nào Mỹ ủng hộ, tuyên bố và hành động nào thì không, kế hoạch hành động của Mỹ để ủng hộ các đồng minh nhất là trong quan hệ với Philippines.

Theo ông John McCain, Mỹ cần hỗ trợ các nước ASEAN giải quyết những khác biệt của chính mình, để tăng đoàn kết trong  nội bộ ASEAN trong xử lý với Trung Quốc“.

“Trung Quốc muốn chia rẽ các nước ASEAN, để các nước đối đầu với nhau. ASEAN cần tạo thành một mặt trận thống nhất”.
Hơn nữa, Mỹ cần hỗ trợ các nước ASEAN tăng cường sức mạnh hải quân. Theo đó, Mỹ cần giúp ASEAN "xây dựng khả năng phòng thủ và phát hiện trên biển, để phát triển và triển khai các hệ thống cảnh báo sớm và tàu an ninh hàng hải".

Đồng thời, Mỹ và ASEAN cần “tăng các hoạt động tập trận chung, tạo nên bức tranh về hoạt động chung ở Biển Đông để  có thể đáp trả lại bất kì mối đe dọa nào”.

Hơn nữa, vì lý do an ninh, đảm bảo cho hoạt động của hải quân Mỹ, đã đến lúc Quốc hội Mỹ phải quyết định có nên sớm thông qua Công ước luật Biển. Mỹ cũng cần đánh giá lại kế hoạch bố trí quân sự ở Guam và Nhật Bản, không phải để rút đi, mà để tăng cường cam kết của Mỹ về an ninh khu vực.

Mỹ cũng cần tiếp tục đầu tư cần thiết cho năng lực quân sự của Mỹ, đặc biệt là hải quân đảm bảo duy trì vị thế dẫn đầu về sức mạnh quân sự.

Sức mạnh hải quân Trung Quốc sẽ làm thay đổi cán cân ở châu Á-Thái Bình Dương?



Ngày 10.8.11, xuất hiện 2 tin bổ trợ cho nhau và đưa lại hình dung hình thế sức mạnh thế giới tương lai. Trung Quốc đã bắt đầu chạy thử tàu sân bay đầu tiên của họ (tàu Varyag đóng dở của Hải quân Liên Xô trước đây), còn Mỹ quyết định giảm số cụm tàu sân bay xung kích từ 11 xuống còn 9 để tiết kiệm ngân sách.

Việc cắt giảm số lượng cụm tàu sân bay tiến công (CSG) được Tư lệnh Hải quân Mỹ, Đô đốc Gary Roughead thông báo. Họ quyết định giải tán CSG-7, tàu sân bay Ronald Reagan của cụm này được chuyển sang biên chế CSG-9 để thay thế cho tàu sân bay Abraham Lincoln vì tàu này sẽ bắt đầu được sửa chữa và nâng cấp từ năm 2012.

Sau khi tàu Abraham Lincoln trở lại biên chế, Hải quân Mỹ dự định loại bỏ tàu sân bay Enterprise thuộc CSG-12. Đồng thời, một tàu sân bay khác cũng sẽ bắt đầu được sửa chữa. Bằng các biện pháp này, Hải quân Mỹ muốn giảm chi phí, giảm sự thiếu hụt tiêm kích trên hạm thông qua việc bỏ kế hoạch tăng hạn sử dụng một bộ phận các tiêm kích F/A-18 Hornet và Super Hornet và mua sắm các lô nhỏ tiêm kích mới.
Rõ ràng là những biện pháp đó được đề ra là do cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính trầm trọng của Mỹ. Ngoài ra, trong tháng 7.2011, cũng có tin Lầu Năm góc đang suy tính lùi thời hạn đưa vào trang bị cho Hải quân Mỹ các tàu sân bay tiên tiến lớp Gerald Ford hoặc thậm chỉ hủy bỏ kế hoạch đóng 1 tàu loại này.
Các chương trình hải quân Trung Quốc nhằm vào ai?

Bắc Kinh năm 2008 đã vươn lên thứ hai thế giới về chi phí quân sự (ngoài ra, còn có nhiều chi phí quốc phòng của Trung Quốc không nằm trong thống kê chính thức). Hải quân Trung Quốc cũng đã vươn nhanh lên vị trí thứ hai, chỉ thua kém hạm đội Nga về một số lĩnh vực, về hạm đội tàu ngầm nguyên tử. Cộng với việc Hải quân Nga cũng như Hải quân Mỹ thua kém hải quân Trung Quốc về mặt khả năng tập trung trên mặt trận đối kháng tiềm tàng - Mỹ phải kiểm soát các điểm quan trọng chiến lược trên khắp đại dương thế giới, duy trì lục quân trong nhiều cuộc xung đột. Hạm đội Nga, đúng hơn là tàn dư của Hạm đội Liên Xô thì bị phân tán khắp từ Biển Đen đến Thái Bình Dương.

Mặc dù nếu chỉ tính các tham số số lượng, Bắc Kinh không có cơ hội đứng vững nổi trong một cuộc đối đầu trên biển - một tỷ lệ đáng kể tàu xuồng đã lạc hậu và cần hiện đại hóa, không có các tàu sân bay và cụm tàu sân bay xung kích sẵn sàng chiến đấu. Nhưng trong tương lai dài hạn, bức tranh vẽ lên rất buồn đối với Mỹ.

Ngay vào năm 2000, các nhà phân tích Bộ Quốc phòng Mỹ đã soạn thảo tài liệu có tên “Châu Á 2025”, trong đó phân tích 5 kịch bản xung đột có thể xảy ra giữa Mỹ và Trung Quốc. Vấn đề làm các tác giả báo cáo rất lo ngại, những suy nghĩ liên tục lặp đi lặp lại nói về mối đe dọa Trung Quốc: “...Trung Quốc là đối thủ thường trực của Mỹ”, “...một Trung Quốc ổn định và hùng mạnh sẽ luôn cố gắng thay đổi hiện trạng ở Đông Á” hoặc “...một Trung Quốc bất ổn và tương ứng là yếu ớt cũng sẽ nguy hiểm, bởi vì các nhà lãnh đạo [Trung Quốc]ư có thể muốn củng cố quyền lực của mình bằng cách đe doạ xâm lược quân sự ra nước ngoài”.

Kịch bản 1: Con bài Ấn Độ

Trong quá trình Pakistan bị mất ổn định (những nỗ lực như thế xảy ra thường xuyên), Islamabad sẽ mất quyền kiểm soát đối với một phần lãnh thổ, trong đó có Kashmir. Dehli sẽ đòi hỏi khôi phục chính quyền hợp pháp bằng cách trấn áp các phần tử cực đoan Hồi giáo.

Islamabad sẽ không thể thực hiện yêu cầu này, đáp lại, quân đội Ấn Độ sẽ chiếm Kashmir, Islamabad và Bắc Kinh sẽ yêu cầu Ấn Độ rút quân. Trung Quốc sẽ bắt đầu tập trung lực lượng trên biên giới với Ấn Độ.

Mỹ sẽ yêu cầu Bắc Kinh không can thiệp vào cuộc xung đột, một biên đội tàu Hải quân Mỹ sẽ được phái tới vịnh Bengal.

Dehli, nhằm tránh đòn tấn công có thể xảy ra bằng vũ khí hạt nhân từ phía Pakistan, sẽ tấn công bằng vũ khí phi hạt nhân vào các vũ khí hạt nhân và các mục tiêu nguyên tử của Pakistan.

Nhưng chiến dịch không thành công hoàn toàn và đáp lại, Islamabad tấn công quân đội Ấn Độ ở vùng biên giới bằng vũ khí hạt nhân chiến thuật và biện minh hành động này là do Ấn Độ xâm lược và nguy cơ mất chủ quyền.

Để ngăn chặn một cuộc chiến tranh hạt nhân quy mô lớn, Mỹ sẽ tiêu diệt kho vũ khí hạt nhân của Pakistan bằng cuộc tấn công đường không của vũ khí chính xác cao.

Trung Quốc không dám lập tức nhảy vào chống mặt trận chung Ấn-Mỹ, nhưng quan hệ với Mỹ chuyển sang giai đoạn chiến tranh lạnh, đối đầu gia tăng ở Viễn Đông và Đông Nam Á. Vào năm 2020, Pakistan biến mất, các mảnh vỡ của nó gia nhập Ấn Độ với tư cách các bang tự trị.

Kịch bản 2: Tân cộng đồng Trung-Ấn

Theo kịch bản này, Bắc Kinh và Dehli sẽ buộc phải gạt bỏ những mâu thuẫn cũ để duy trì ổn định ở khu vực eo biển Đông Nam Á, đối phó với chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo, trong khi vị thế của Mỹ trong khu vực tiếp tục suy yếu.

Ở kịch bản này, Indonesia sẽ tan vỡ, các lực lượng ly khai sẽ chiếm giữ hàng loạt mỏ hydrocarbon quan trọng, sự bài xích, truy bức gia tăng đối với cộng đồng người Hoa, chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo sẽ gia tăng, hoạt động hải tặc sẽ tăng mạnh ở các eo biển. Các cường quốc láng giềng sẽ nhận được mối đau đầu lớn.

Mỹ sẽ không chống lại điều đó và sẽ bắt đầu cắt giảm mạnh sự hiện diện của mình tại khu vực.

Kết quả là Dehli và Bắc Kinh phân định khu vực ảnh hưởng và tự mình “thiết lập trật tự”: Hải quân Ấn Độ sẽ thực hiện cuộc hành quân đường trường và thiết lập quyền kiểm soát đối với eo biển Malacca, hải quân Trung Quốc thiết lập quyền kiểm soát đối với eo biển Lombok và Sunda.

Ngoài ra, Trung Quốc sẽ giải quyết dứt điểm vấn đề quần đảo Trường Sa theo cách có lợi cho họ.

Trung Quốc và Ấn Độ sẽ cùng nhau trấn áp làn sóng cướp biển và cực đoan, sẽ bảo đảm an ninh cho giao thông hàng hải. Mỹ sẽ mất phần lớn vị thể tại vùng này của châu Á-Thái Bình Dương.

Kịch bản 3: Trung Quốc hành động

Theo kịch bản này, vào khoảng năm 2015, sẽ xảy xa xung đột vũ trang giữa hải quân Mỹ và Trung Quốc.

Trước đó là sự suy yếu vị thế của Mỹ trong khu vực, sau khi làn sóng dân tộc chủ nghĩa dâng cao trên bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản, Washington sẽ rút các căn cứ quân sự của mình khỏi đây.

Năm 2015, sẽ xảy ra một vụ khiêu khích vũ trang khi mà hải quân Trung Quốc tạo giả ra một cuộc tấn công quy mô lớn để đẩy bật lực lượng Mỹ. Chính phủ Mỹ, để tránh xung đột leo thang thành một cuộc chiến tranh quy mô lớn, sẽ rút hạm đội của mình để nhường vùng biển này cho Trung Quốc. Sau đó, Trung Quốc sẽ là độc bá phần Tây Thái Bình Dương.

Kịch bản 4: Trung Quốc bất ổn

Những bất ổn trong phát triển kinh tế sẽ dẫn tới một cuộc khủng hoảng kinh tế xã hội mạnh mẽ, làn sóng bãi công lan tràn các thành phố, các hoạt động phản đối ở Tây Tạng, Tân Cương và khu tự trị Nội Mông leo thang thành các cuộc nổi dậy vũ trang của lực lượng ly khai.

Ở Bắc Kinh xảy ra đảo chính quân sự, quân đội xiết chặt chính sách đối nội, đáp trả các cuộc nổi dậy bằng những cuộc hành quân tiễu phạt.

Để hướng sự chú ý của dân chúng khỏi các vấn đề nội địa, trong chính sách đối ngoại, Trung Quốc tạo ra “các hình ảnh kẻ thù” - bành trướng nhằm vào Indonesia (nước này mất đi sự toàn vẹn lãnh thổ), nêu ra những yêu sách lãnh thổ đối với Nga, Kazakhstan, đưa tình hình tới bờ vực chiến tranh. Trạng thái xung đột sẽ xảy ra với Việt Nam và Philippines. Mỹ sẽ gia tăng sự hiện diện quân sự trong khu vực.

Kịch bản 5: Một Trung Quốc hùng mạnh


Theo kịch bản này, Trung Quốc bằng con đường bành trướng kinh tế bắt đầu thống trị khu vực, Bắc Kinh trói buộc tất cả các nước láng giềng với mình bằng các quan hệ kinh tế vững chắc.

Vùng Biển Đông thực tế lọt vào tầm kiểm soát của hải quân Trung Quốc, các nước (Philippines, Việt Nam…) có tranh chấp lãnh thổ với Bắc Kinh không muốn xung đột mà tìm cách giải quyết tranh chấp bằng đàm phán, chủ yếu là nhượng bộ Trung Quốc.

Ấn Độ với tham vọng giành vai trò siêu cường thứ hai của khu vực, do nhiều điểm yếu nội tại của xã hội, kinh tế, sẽ nhượng bộ sau khi thỏa thuận phân chia “khu vực ảnh hưởng”.

Đài Loan mất dần quyền tự chủ và lọt vào vòng kiểm soát của Trung Quốc mà không cần chiến tranh.

Bắc và Nam Hàn bận bịu với nhau và các quá trình tái thống nhất nên không phải là một nguy cơ và không thể đóng vai trò lớn ở châu Á-Thái Bình Dương.

Nhật Bản, sau khi giành được sự bảo đảm về việc duy trì nguồn cung cấp thực phẩm và nguyên liệu (đi qua các tuyến đường biển) và sự bất khả xâm phạm về lãnh thổ sẽ giữ vị thế trung lập.

Dưới áp lực của Trung Quốc với sự ủng hộ của các chính quyền sở tại, Mỹ rút quân khỏi Nhật Bản và Hàn Quốc.

Phần lớn các nước châu Á-Thái Bình Dương thực tế trở thành chư hầu của Trung Quốc, Mỹ mất nhiều vị thế.

Xem ra kịch bản 5 này hiện đang được thực hiện.


Trung Quốc đang tăng cường sức mạnh kinh tế và quân sự, cuộc phiêu lưu của Mỹ với Pakistan đã thất bại. Những nỗ lực nhiều năm của Đài Loan để mua một lô tiêm kích F-16 Fighting Falcon của Mỹ cũng thất bại. Khi đàm phán, Bắc Kinh đã không cho phép người Mỹ làm việc đó.

Hiện nay, Bắc Kinh có tranh chấp lãnh thổ với một số nước láng giềng: “vấn đề Đài Loan” - Trung Quốc đòi yêu sách đối với toàn bộ Đài Loan, tranh chấp với Tokyo về quần đảo Senkaku (Điếu Ngư), tranh chấp quần đảo Hoàng Sa với Việt Nam và tranh chấp quần đảo có tầm quan trọng chiến lược Trường Sa cùng lúc với một số nước như Đài Loan, Việt Nam, Philippines... Mỹ ủng hộ gần như tất cả các địch thủ của Trung Quốc cả về ngoại giao, vũ khí, ở nhiều nước có triển khai các căn cứ quân sự của Mỹ.

Đã từng xảy ra một số trường hợp đối kháng vũ trang có khả năng leo thang thành xung đột nghiêm trọng. Ví dụ, năm 1996, đã xảy ra sự đối đầu khá quyết liệt giữa cụm tàu sân bay xung kích Mỹ và hải quân Trung Quốc ở gần Đài Loan. Các chuyên gia quân sự quốc tế hồi đó thừa nhận rằng, sự đối đầu này chút nữa gây ra sự va chạm nghiêm trọng giữa hai đại cường.

Theo thông tin của Mỹ, Hải quân Mỹ lúc đó đã ngăn chặn được các chiến hạm Trung Quốc xâm nhập vào hải phận Đài Loan, và để làm thế họ đã phải thực hiện mấy lần phóng tên lửa ngăn chặn.

Tháng 10.2006, gần đảo Okinawa của Nhật Bản lại diễn ra một sự cố nữa - một tàu ngầm lớp Tống của Trung Quốc bất ngờ nổi lên cách tàu sân bay Kitty Hawk ở cự ly tấn công bằng ngư lôi sau khi lọt qua các tàu hộ tống khiến các thủy binh Mỹ kinh ngạc. Người ta cho rằng, nếu là trong chiến đấu thì tàu sân bay Mỹ coi như đã bị tấn công bằng ngư lôi, còm tạm thời mới chỉ là coi như vậy. Trước sự cố này, các tàu ngầm Trung Quốc bị coi là lạc hậu, quá ồn để tránh né được sự phát hiện của các hệ thống thủy âm hiện đại của Mỹ, và sự kiện này đã buộc Mỹ phải xem xét lại các đánh giá về hạm đội tàu ngầm Trung Quốc.

Tháng 11.2007, xảy ra lần đối đầu mới giữa hải quân Trung Quốc và cụm tàu sân bay xung kích Mỹ ở eo biển Đài Loan kéo dài 2 ngày đêm. Theo thông của Mỹ, người Mỹ đã một lần nữa ngăn cản được hải quân Trung Quốc tiến tới bờ biển Đài Loan.

Tháng 6.2009, gần Philippines, một tàu ngầm Trung Quốc đã làm đứt lưới anten thủy âm do tàu khu trục John McCain của Hải quân Mỹ kéo theo trong khi tàu chiến Mỹ này đã không thể phát hiện kịp thời tàu ngầm Trung Quốc. Đây là việc làm cố ý hay tình cờ thì không ai biết được.

Chương trình xây dựng các cụm tàu sân bay xung kích của Trung Quốc thể hiện rõ tham vọng của nước này ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Họ đã bắt đầu thử nghiệm tàu sân bay “huấn luyện” đầu tiên và dự định hạ thủy thêm 2 tàu sân bay vào năm 2015. Quả thực, chúng còn lâu mới sánh nổi các con quỷ nguyên tử của Mỹ.

Tuy nhiên, năm 2015, Trung Quốc dự định khởi đóng một tàu sân bay hạt nhân đúng nghĩa, có tính năng không thua kém các tàu cùng loại của Mỹ. Các chuyên gia Mỹ cho rằng, Bắc Kinh có kế hoạch đóng không dưới 5 tàu sân bay hạt nhân.

Điều dễ hiểu là các nước láng giềng không hề vui mừng với những thông tin đó khi mà Mỹ đang suy yếu và ngày càng nhượng bộ, Trung Quốc thì tăng cường sức mạnh. Chính vì thế, Việt Nam đã thông báo xây dựng hạm đội tàu ngầm trong 6 năm tới mà nền tảng của nó là 6 tàu ngầm lớp Projekt 636 Varshavyanka mua của Nga năm 2009 trị giá 1,8 tỷ USD. Các tàu này do hãng Admiralteiskye Verfi ở St. Petersburg đóng, chiếc đầu tiên sẽ bàn giao cho Việt Nam vào năm 2014.

Nhật và Hàn Quốc đang đóng các tàu sân bay trực thăng mà thực chất là các tàu sân bay hạng nhẹ, có thể chở các máy bay cất/hạ cánh thẳng đứng.

Ấn Độ vào đầu năm 2012 dự định hạ thủy một tàu sân bay nội địa, một tàu sân bay khác đang được nâng cấp ở Nga.

Nga đã thông báo rằng, 2 tàu sân bay trực thăng lớp Mistrale mua của Pháp sẽ được biên chế cho Hạm đội Thái Bình Dương.

Tại châu Á-Thái Bình Dương đang diễn ra cuộc chạy đua vũ trang thực sự, không chỉ về vũ khí hải quân mà cả không quân và lục quân.

Bằng chứng lịch sử chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa, Trường Sa

Cuốn sách xưa nhất và ghi chép khá đầy đủ và cụ thể về các đội Hoàng Sa, Bắc Hải là Phủ biên tạp lục của nhà bác học Lê Quý Đôn viết vào năm 1776.


Việt Nam có bờ biển dài, với vùng biển rộng. Biển và đảo suốt tiến trình lịch sử luôn luôn giữ vị trí trọng yếu trong đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước. Từ thời kỳ tiền sử cho đến ngày nay, con người ở các vùng nội địa Việt Nam liên tục tiến ra chiếm lĩnh, khai phá, sinh cơ lập nghiệp trên các đảo, quần đảo. Bắt đầu từ  các thời Lý, Trần, Lê, Biển Đông đã trở thành chiến lược phát triển của quốc gia Đại Việt. Con đường mở mang bờ cõi xuống phía nam của dân tộc Việt Nam cũng đồng thời là con đường tiến ra chiếm lĩnh biển, đảo. Đây chính là cơ sở hết sức quan trọng, một bước chuẩn bị thiết yếu để trong bối cảnh lịch sử mới, các chính quyền Đàng Trong đã thực hiện được kỳ tích tuyệt vời là xác lập và thực thi chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa.

1. TỔ CHỨC CÁC ĐỘI HOÀNG SA VÀ BẮC HẢI, HÌNH THỨC ĐỘC ĐÁO DUY NHẤT CỦA QUÁ TRÌNH XÁC LẬP VÀ THỰC THI CHỦ QUYỀN TRÊN CÁC VÙNG QUẦN ĐẢO NGOÀI BIỂN ĐÔNG TRONG CÁC THẾ KỶ XVII-XVIII
Cuốn sách xưa nhất và ghi chép khá đầy đủ và cụ thể về các đội Hoàng Sa, Bắc Hải là Phủ biên tạp lục của nhà bác học Lê Quý Đôn viết vào năm 1776. Sách chép: "Phủ Quảng Ngãi ở ngoài cửa biển xã An Vĩnh huyện Bình Sơn có núi gọi là Cù Lao Ré...; phía ngoài nữa lại có đảo Đại Trường Sa, trước kia có nhiều hải vật và những hoá vật của tàu, lập đội Hoàng Sa để lấy, đi 3 ngày 3 đêm thì mới đến, là chỗ gần xứ Bắc Hải....
Trước họ Nguyễn đặt đội Hoàng Sa 70 suất, lấy người xã An Vĩnh sung vào, cắt phiên mỗi năm cứ tháng 2 nhận giấy sai đi, mang lương đủ ăn 6 tháng, đi bằng 5 chiếc thuyền câu nhỏ, ra biển 3 ngày 3 đêm thì đến đảo ấy. Ở đây tha hồ bắt chim bắt cá mà ăn. Lấy được hoá vật của tàu, như là gươm, ngựa, hoa bạc, tiền bạc, hòn bạc, đồ đồng, khối thiếc, khối chì, súng, ngà voi, sáp ong, đồ sứ, đồ chiên, cùng là kiếm lượm vỏ đồi mồi, vỏ hải ba, hải sâm, hột ốc vân rất nhiều.
Đến kỳ tháng 8 thì về, vào cửa Eo, đến thành Phú Xuân để nộp, cân và định hạng xong, mới cho đem bán riêng các thứ ốc vân, hải ba, hải sâm, rồi lĩnh bằng trở về... Họ Nguyễn lại đặt đội Bắc Hải, không định bao nhiêu suất, hoặc người thôn Tứ Chính ở Bình Thuận, hoặc người xã Cảnh Dương, ai tình nguyện đi thì cấp giấy sai đi, miễn cho tiền sưu cùng các tiền tuần đò, cho đi thuyền câu nhỏ ra các xứ Bắc Hải, cù lao Côn Lôn và các đảo ở Hà Tiên tìm lượm vật của tàu và các thứ đồi mồi, hải ba, bào ngư, hải sâm, cũng sai cai đội Hoàng Sa kiêm quản...
Tôi đã từng thấy một đạo công văn của quan chính đường huyện Văn Xương Quỳnh Châu gửi cho Thuận Hoá nói rằng: năm Kiền Long thứ 18 (1753) có 10 tên quân nhân xã An Vĩnh đội Cát Liềm (Cát Vàng?) huyện Chương Nghĩa phủ Quảng Ngãi nước An Nam ngày tháng 7 đến Vạn Lý Trường Sa tìm kiếm các thứ, có 8 tên lên bờ tìm kiếm, chỉ để 2 tên giữ thuyền, bị gió đứt dây thuyền, giạt vào Thanh Lan cảng, quan ở đấy xét thực, đưa trả về nguyên quán. Nguyễn Phúc Chu (Nguyễn Phúc Khoát?) sai cai bạ Thuận Hoá là Thức Lượng hầu làm thư trả lời" [1].
Như vậy, thông qua một hệ thống các tư liệu gốc, khách quan, xác thực và có giá trị sử liệu cao, Lê Quý Đôn đã giớí thiệu tương đối đầy đủ vị trí, đặc điểm tự nhiên của Hoàng Sa, Trường Sa, cũng như cơ cấu tổ chức, chức năng và hoạt động của hai đội Hoàng Sa, Bắc Hải.

Đại Việt sử ký tục biên (1676-1789) là bộ chính sử do Quốc sử viện thời Lê Trịnh biên soạn, trong đó đoạn ghi chép về Hoàng Sa, Trường Sa trên căn bản không khác ghi chép của Lê Quý Đôn. Ý nghĩa của Đại Việt sử ký tục biên chính là nó đã biến ghi chép khoa học, khách quan của Lê Quý Đôn thành một nội dung của bộ Quốc sử, chuyển tinh thần cơ bản của bản chép tay của Lê Quý Đôn thành bản khắc in chính thức trên danh nghĩa quốc gia.

Đại Nam thực lục Tiền biên là phần đầu bộ chính sử của triều Nguyễn được khởi soạn năm 1821, hoàn thành và khắc in năm 1844, có đoạn mô tả Vạn Lý Trường Sa và các đội Hoàng Sa, Bắc Hải không khác Phủ Biên tạp lục Đại Việt sử ký tục biên.
Toàn tập An Nam lộ của Đỗ Bá Công Đạo soạn năm 1686, phần bản đồ phủ Thăng Hoa và phủ Quảng Ngãi phía ngoài biển có vẽ Bãi Cát Vàng và ghi chú rõ mỗi năm đến tháng cuối đông Chúa Nguyễn đưa 18 chiếc thuyền đến đó nhặt vàng bạc.

Khoảng một thập kỷ sau, Hoà thượng người Trung Quốc Thích Đại Sán sau khi sang Đàng Trong, trên đường trở về nước đã mô tả khá chi tiết về bãi cát Vạn Lý Trường Sa và cho biết: "các Quốc vương [Chúa Nguyễn] thời trước hàng năm sai thuyền đánh cá đi dọc theo các bãi cát, lượm vàng bạc khí cụ của các thuyền hư hỏng dạt vào" [2].
Thật ra từ thế kỷ XVI trở về trước, các nhà hằng hải phương Tây đã có nhiều ghi chép và bản đồ xác định vùng quần đảo giữa Biển Đông là Baixos de Chapar (Bãi đá ngầm Chămpa) hay Pulo Capaa (Đảo của Chămpa) [3] và đoạn bờ biển tương đương với khu vực từ cửa biển Đại Chiêm (Quảng Nam) đến cửa biển Sa Kỳ (Quảng Ngãi) được gọi là Costa da Pracel (Bờ biển Hoàng Sa)[4]. Như thế từ rất lâu đời các nhà hằng hải phương Tây đã coi các quần đảo giữa Biển Đông có quan hệ hữu cơ với vùng bờ biển Đàng Trong.
Bước sang thế kỷ XVII, số lượng tầu thuyền của người phương Tây đi đến vùng biển này thường xuyên hơn và nhận thức của họ về các quần đảo giữa Biển Đông cũng phong phú và chính xác hơn. Nhiều tư liệu chép đến các vụ đắm tầu ở Paracel được người Đàng Trong ra tận nơi cứu hộ rồi đưa các nạn nhân về Quảng Nam. Chính quyền Đàng Trong đã dành cho mình quyền giải quyết hậu quả và xử lý các hàng hoá tiền bạc trên các tầu bị đắm ở Hoàng Sa. Chính vì thế mà vào năm 1701, các giáo sĩ người Pháp trên tầu Amphitrite khẳng định: "Paracel là một quần đảo thuộc về vương quốc An Nam" [5].
Như thế, các tư liệu đương đại của cả Việt Nam, Trung Quốc và phương Tây thế kỷ XVII đều chép rất cụ thể, rõ ràng và thống nhất về sự hiện diện của đội Hoàng Sa.
Tuy nhiên cũng cần phải xác định rõ trong thế kỷ XVII, đội Hoàng Sa được đề cập đến sớm nhất vào thời điểm nào và trong nguồn sử liệu nào?
Sử sách nhà Nguyễn đều chép thống nhất đội Hoàng Sa được tổ chức ngay từ thuở quốc sơ, tức là từ thời các Chúa Nguyễn đầu tiên. Tuy nhiên, sách cũng không xác định rõ là Nguyễn Hoàng hay Nguyễn Phúc Nguyên hoặc Nguyễn Phúc Lan...? Tại nhà thờ họ Võ, phường An Vĩnh (thôn Tây xã Lý Vĩnh, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) còn giữ được tờ đơn đề ngày 15 tháng Giêng năm 1775, do Hà Liễu là Cai hợp phường Cù Lao Ré xã An Vĩnh đứng tên xin chấn chỉnh lại đội Hoàng Sa. Đơn cho biết: "Nguyên xã chúng tôi xưa có hai đội Hoàng Sa và Quế Hương. Vào năm Tân Mùi (1631), Đốc chiến là Võ Hệ đã đệ đơn xin tâu được lập hai đội nữa là đội Đại Mạo Hải Ba và đội Quế Hương Hàm với số đinh 30 người...".
Tư liệu cho phép suy đoán, lúc đầu chúa Nguyễn chỉ cho tổ chức một đội Hoàng Sa 70 suất, sau lập thêm đội Quế Hương và đến năm 1631 lại có thêm hai đội Đại Mạo Hải Ba và Quế Hương Hàm 30 suất nữa.

Năm 1636, ng­uời Hà Lan đã đu­ợc phép mở một th­uơng điếm ở Hội An, d­ưới quyền điều hành của Abraham Duijcker. Ngày 6 tháng 3, tại Hội An chúa Thư­ợng Nguyễn Phúc Lan đã tiếp Duijcker và nhân đó, Duijcker khiếu nại việc "chiếc tàu mang tên Grootenbroeck bị đắm ở ngoài khơi bãi cát Paracels, đoàn thuỷ thủ đã đ­ược các ng­ười Việt xứ Đàng Trong cứu giúp, nh­ưng đồng thời cũng lấy đi tổng số tiền là 25.580 réaux". Ông có nhiệm vụ xin đ­ược bồi hoàn số tiền đó.
Chúa Nguyễn Phúc Lan cho rằng "những việc đó đã đ­ược xảy ra từ thời Chúa tr­ước (tức Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên), không nên đề cập đến nữa, ng­ược lại, ng­ười Hà Lan từ nay sẽ đ­ược hoàn toàn tự do mang hàng hoá đến buôn bán, đ­ược miễn thuế, vả lại, sau này nếu có tàu Hà Lan bị đắm ở ngoài khơi thì sẽ không có chuyện tịch thu hàng hoá đ­ược cứu hộ nữa". Phải chăng những người Việt cứu giúp tầu Grootenbroeck bị đắm ở Hoàng Sa nói trên chính là người của đội Hoàng Sa, và như vậy càng cơ sở để khẳng định đội Hoàng Sa chí ít đã xuất hiện từ đầu những năm 30 của thế kỷ XVII, dưới thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635).
Bước sang thế kỷ XVIII, hoạt động chủ quyền của chúa Nguyễn ở các vùng quần đảo giữa biển Đông càng trở nên nhộn nhịp thu hút sự chú ý nhiều người trong nước và nước ngoài. Tư liệu về chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa, bên cạnh các tài liệu chính thức của nhà nước, của các địa phương còn có những ghi chép của các thương nhân, giáo sĩ, các nhà quân sự, các phái bộ ngoại giao nước ngoài và các học giả trong ngoài và nước.
Cũng đúng vào năm 1776 khi Lê Quý Đôn viết sách Phủ biên tạp lục khảo tả rất cụ thể về vị trí, đặc điểm tự nhiên của Hoàng Sa, cũng như cơ cấu tổ chức, chức năng và hoạt động của đội Hoàng Sa, thì ở quê hương của đội Hoàng Sa, dân phường Cù Lao Ré làm đơn nói rõ đội Hoàng Sa đã có lịch sử lâu đời và bên cạnh chức năng thu lượm hoá vật, hải vật còn có nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ an toàn vùng biển đảo: "Nguyên xã chúng tôi từ xưa đã có hai đội Hoàng Sa và Quế Hương... Bây giờ chúng tôi lập hai đội Hoàng Sa và Quế Hương như cũ gồm dân ngoại tịch, được bao nhiêu xin làm sổ sách dâng nạp, vượt thuyền ra các đảo, cù lao ngoài biển tìm nhặt các vật hạng đồng thiếc, hải ba, đồi mồi được bao nhiêu dâng nạp. Nếu như có tờ truyền báo xảy ra chinh chiến, chúng tôi xin vững lòng ứng chiến với kẻ xâm phạm. Xong việc rồi chúng tôi lại xin tờ sai ra tìm báu vật cùng thuế quan đem phụng nạp..." [6].
Không chỉ thống nhất với các nguồn tư liệu chính thức của Nhà nước mà nguồn tư liệu này còn gắn liền với các di tích và truyền thuyết ở địa phương như miếu Hoàng Sa, những bến bãi đội Hoàng Sa xuất phát, thậm chí cả những ngôi mộ giả, những nghĩa địa giả với những nghi lễ hết sức đặc biệt của làng quê đưa tiễn những người con quả cảm của mình đi làm nhiệm vụ ở Hoàng Sa, Trường Sa, nguyện dấn thân vào cõi chết vì một vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc: "Hoàng Sa đi có về không; Lệnh vua sai phái quyết lòng ra đi".




2. TRIỂN KHAI HÀNG LOẠT CÁC HÌNH THỨC THỰC THI CHỦ QUYỀN Ở CẢ HOÀNG SA VÀ TRƯỜNG SA TRONG GẦN TRỌN THẾ KỶ XIX

Dưới thời Nguyễn, những ghi chép về Hoàng Sa, Trường Sa phong phú, đa dạng với nhiều thông tin cụ thể trên cả hai khu vực tài liệu chính thức của vương triều và tài liệu của các học giả. Bộ sách đồ sộ và có nhiều thông tin hơn cả về Hoàng Sa, Trường Sa là bộ Đại Nam thực lục Chính biên. Trong hai thập kỷ đầu thế kỷ XIX, vua Gia Long đã nhiều lần quan tâm đến việc kiểm tra, kiểm soát Hoàng Sa được sách ghi lại như: "sai mộ dân ngoại tịch lập làm đôi Hoàng Sa" năm 1803; "sai đội Hoàng Sa là bọn Phạm Quang Ảnh ra đảo Hoàng Sa thăm dò đường biển" năm 1815 và năm 1816; nhận địa đồ đảo Hoàng Sa từ thuyền Mã Cao năm 1817...
Nhưng hoạt động thực thi chủ quyền ở Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam đã phát triển lên trình độ cao hơn dưới thời trị vì của vua Minh Mệnh. Năm 1833, ông lập kế hoạch phái người ra Hoàng Sa dựng miếu, lập bia và trồng cây. Các năm 1834, 1835, ông cho người ra dựng miếu, đền thờ thần, lập bia đá và xây bình phong ở khu vực toà miếu cổ. Năm 1836, ông quyết định hàng năm phái người ra Hoàng Sa xem xét, đo vẽ tỉ mỉ và lập thành bản đồ các đảo, hòn, bãi cát. Khi ra đo đạc ngoài Hoàng Sa đội thuỷ quân Phạm Hữu Nhật đã mang theo 10 bài gỗ, trên mặt khắc dòng chữ "Minh Mệnh thứ 17, năm Bính Thân, thuỷ quân chánh đội trưởng suất đội Phạm Hữu Nhật, vâng mệnh đi Hoàng Sa trông nom đo đạc đến đây lưu dấu để ghi nhớ".
Liên tục từ năm 1834 đến năm 1839 vua Minh Mệnh thưởng công cho những người đi vẽ bản đồ ở ngoài đảo Hoàng Sa về. Đối với những người không may gặp gió bão ngoài biển mà bảo toàn tính mạng trở về cũng có thưởng; còn những người không hoàn thành nhiệm vụ tuần phòng ngoài biển thì bị phạt nặng...Bên cạnh Đại Nam thực lục Chính biên, dưới thời Minh Mệnh, Quốc sử quán còn được giao nhiệm vụ biên soạn bộ Minh Mệnh chính yếu, trong đó quyển 25 có chép nhiều vụ tầu đắm ở ngoài Biển Đông, trôi dạt vào bờ đã được cứu giúp chu đáo. Chẳng hạn vào năm 1836, thuyền buôn nước Anh gặp gió bão ở Hoàng Sa, tạm ghé vào hải phận tỉnh Bình Định, đã được nhà vua "sai quan tỉnh tuyên cáo chỉ dụ của triều đình cho họ nghe, đồng thời mở cuộc phát chẩn...".
Điều này không chỉ nói lên lòng nhân đạo cao cả của người Việt, mà quan trọng hơn chính là nghĩa vụ, trách nhiệm cứu hộ trên biển của Nhà nước và cư dân Việt Nam với tư cách là chủ nhân của vùng biển đảo  này. Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ là bộ sách do triều thần nhà Nguyễn vâng mệnh vua ghi chép những việc làm của triều đình thuộc lục bộ về điển chương, pháp luật.... được hoàn thành trong khoảng thời gian từ năm 1843 đến năm 1851.
Trong sách có đoạn chép về việc lập miếu, dựng bia, trồng cây ở Hoàng Sa và khảo sát, đo vẽ bản đồ toàn bộ khu vực, về cơ bản không khác so với Đại Nam thực lục Chính biên. Quốc triều chính biên toát yếu là bộ sử trích các phần quan yếu của Đại Nam thực lục Chính biên, trong đó quyển III có các đoạn chép về việc xây miếu và dựng bia, đo vẽ bản đồ và việc cứu hộ tầu Anh bị mắc cạn ghé vào bãi biển Bình Định.

Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú là bộ bách khoa thư lớn nhất của thế kỷ XIX, được hoàn thành vào năm 1821 có phần Dư địa chí chép về bãi Hoàng Sa và đội Hoàng Sa cũng giống như Phủ biên tạp lục.
Việt sử cương giám khảo lược là bộ sách địa lý lịch sử của Nguyễn Thông chép về Vạn Lý Trường Sa ngoài những đặc điểm địa lý, tự nhiên và dấu tích của người Việt Nam trên đảo Hoàng Sa, ông còn nói khá cụ thể về đội Hoàng Sa như việc tuyển đinh tráng các xã An Vĩnh, An Hải, thời gian tồn tại của đội Hoàng Sa...

Đại Nam nhất thống chí do Quốc sử quán thời Tự Đức biên soạn từ năm 1865 đến năm 1882. Hoàng Sa, Trường Sa được giới thiệu trong quyển 8 (tỉnh Quảng Ngãi) phỏng theo Phủ biên tạp lục và những tư liệu tập hợp được trong Đại Nam thực lục.
Riêng đoạn cuối sách cung cấp thêm: "Năm Minh Mệnh thứ 16, sai thuyền công chở gạch đá đến đây xây đền, dựng bia đá ở phía tả đền để ghi dấu và tra hột các thứ cây ở ba mặt tả hữu và sau. Binh phu đắp nền miếu đào được lá đồng và gang sắt có đến hơn 2.000 cân".

Nhiều công trình chuyên khảo hay những ghi chép khách quan của các quan chức, học giả đương thời khác cũng cung cấp thêm những thông tin có giá trị. Sử học bị khảo của Đặng Xuân Bảng cũng chép "đảo Hoàng Sa (ở giữa bể, thuộc huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi), dài rộng vài nghìn dặm). "Bài thơ Vọng kiến Vạn Lý Trường Sa của Lý Văn Phức có một đoạn chú dài viết khá cụ thể về khu vực biển đảo mà chính tác giả suýt mắc nạn.
Theo nguồn tài liệu này thì ngay từ đầu thế kỷ XIX, nhà Nguyễn đã từng thuê các thuỷ thủ dày dạn kinh nghiệm và các phương tiện kỹ thuật hiện đại của phương Tây trực tiếp dẫn dắt một số con thuyền vượt Biển Đông. Điều này cũng góp phần giải thích bản đồ khu vực biển đảo của Việt Nam tuy vẫn giữ phong cách vẽ truyền thống, nhưng đã sớm cập nhật những thông tin mới và độ chính xác cao của bản đồ hằng hải các nước phương Tây đương đại. Cũng thuộc nguồn tài liệu thư tịch và có giá trị cao để khẳng định quá trình các Nhà nước Việt Nam dưới thời Nguyễn thực thi chủ quyền của mình ở Hoàng Sa và Trường Sa là các Châu bản triều Nguyễn.
Qua nghiên cứu khảo sát 144 tập của hai triều Minh Mệnh và Thiệu Trị, chúng tôi tìm ra được một số tư liệu là bằng chứng rõ ràng về quá trình thực thi chủ quyền của các nhà nước phong kiến Việt Nam ở hai quần đảo này như bản dụ của vua Minh Mệnh (13/7/1835 và 13/7/1837) về các đoàn đi công vụ ở Hoàng Sa; các bản tấu của Thủ ngự Đà Nẵng về việc thuyền của Pháp mắc cạn ở Hoàng Sa (21/6/1830); các bản tấu của Bộ Công về việc phạt những người đi Hoàng Sa không lập xong bản đồ (13/7/1837), về việc phái đoàn công vụ lên đường ra Hoàng Sa nhưng do gặp gió lớn mà không xuất phát được... Đặc biệt có tờ tấu của Bộ Công (21/6 /1838) cho biết đoàn khảo sát Hoàng sa trở về báo cáo đã đến được 25 đảo (trong 3 sở), còn 1 sở hơi xa lại gặp gió lớn nên chưa tới được...
Dưới thời Nguyễn bên cạnh việc triển khai đo vẽ thực tế ở Hoàng Sa, Trường Sa là việc nhà nước cho hoàn thành nhiều bộ bản đồ quan trọng, trong đó tiêu biểu nhất là Đại Nam nhất thống toàn đồ hoàn thành trong khoảng từ năm 1838 đến năm 1840 dưới thời vua Minh Mệnh. Quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trong bản đồ được vẽ chung thành một cụm hình lưỡi dao kéo dài gồm khoảng ba chục đảo lớn, trong đó Hoàng Sa ở phía cực bắc được nối liền với Vạn Lý Trường Sa (tức Trường Sa) ở phía nam trong một chuỗi các đảo chưa có dấu hiệu phân tách.
Thật ra vào năm 1830 cũng đã xuất hiện tấm Bản đồ vẽ theo phong cách này, nhưng đang còn ở dạng bản thảo và sau này thời Thiệu Trị có Đại Nam toàn đồ, dưới thời Tự Đức có Đại Nam nhất thống toàn đồ (Nam Bắc kỳ hội đồ) là sự tiếp nối của phong cách vẽ bản đồ hiện đại.

Xuất hiện trước và sau Đại Nam nhất thống toàn đồ có khá nhiều bản đồ khác vẽ Hoàng Sa, Trường Sa vẫn theo phương pháp tryền thống như Nam Việt bản đồ, Thiên tải nhàn đàm, An Nam dư địa chí, Khải đồng thuyết ước, Nam Việt địa dư trích lục, Nam Việt địa đồ cựu lục...
Các bản đồ này tuy không cung cấp thông tin mới, nhưng lại xác nhận một thực tế là suốt trong thế kỷ XIX, Hoàng Sa, Trường Sa đã được đưa vào sách giáo khoa dạy cho học sinh hay dùng làm sách phổ biến kiến thức để mọi người dân Việt Nam ghi nhớ phần lãnh thổ không thể tách rời của nước Việt Nam thống nhất. Ngay từ khi mới bắt đầu thiết lập Vương triều, Nguyễn Ánh tiếp tục công cuộc thám sát và phòng thủ biển nhằm củng cố chính quyền.
Một người Pháp trở thành một đại thần trong triều là Jean Baptiste Chaigneau (1769-1825) trong khi làm quan ở Huế xác nhận: "Xứ Đàng Trong mà Quốc vương ngày nay mang danh hiệu Hoàng đế bao gồm xứ Nam Hà theo đúng nghĩa của nó, xứ Bắc Hà, một phần vương quốc của Cao Miên, một vài đảo có người ở không xa bờ biển và quần đảo Hoàng Sa, gồm có những đảo nhỏ, bãi đá ngầm và mỏm đá không người ở. Chỉ đến năm 1816 thì nhà vua hiện nay mới chiếm hữu được quần đảo này". Các tác giả phương Tây lúc đó, trong các tác phẩm của mình, cũng đều công nhận chủ quyền pháp lý của các vua nhà Nguyễn đối với quần đảo Hoàng Sa.
Giám mục Jean Louis Taberd người Pháp, người nhiều năm truyền giáo ở Đàng Trong cho rằng: "Quần đảo Pracel... Vào năm 1816, nhà vua đã tới long trọng cắm lá cờ của mình và đã chính thức giữ chủ quyền ở các bãi đá này, mà chắc là sẽ không có một ai sẽ tìm cách tranh giành với ông ta". Ông còn cho xuất bản cuốn Từ điển La Tinh An Nam và kèm theo tấm bản đồ An Nam đại quốc hoạ đồ, trong đó ở khoảng vĩ tuyến 17 độ bắc và kinh tuyến 110 độ đông, bản đồ có vẽ một cụm các đảo nhỏ với dòng chữ ghi chú: Paracel Seu Cát Vàng. Tiến sĩ Gutzlaff, hội viên của Hội địa lý Hoàng gia Luân Đôn, biên soạn cuốn sách Geography of the Cochinchinese Empire cho biết: "Chính phủ An Nam nhận thấy lợi ích có thể đem lại được nếu như dựng lên một ngạch quan thuế và đã duy trì những thuyền đánh thuế và một đội quân nhỏ đồn trú ở tại chỗ để thu thuế đối với tất cả những ai đến đó, và để bảo vệ những dân chài của nước họ".
Năm 1850, M. A Dubois de Jancigny, cựu đại uý, phái viên của Chính phủ Pháp ở Trung Quốc và Đông Dương đã viết sách nói rõ: "Chúng tôi chỉ muốn nhận xét rằng đã từ 34 năm nay, (tức là từ 1816 đến 1850), quần đảo Paracels (mà những người An Nam gọi là Cát Vàng), thật là một chốn mê cung chằng chịt những hòn đảo nhỏ, đá ngầm và bãi cát thật sự đã làm những người đi biển kinh hãi và chỉ có thể kể đến trong số những địa điểm hoang vu cằn cỗi nhất của địa cầu, quần đảo do đã bị các người xứ Đàng Trong chiếm giữ. Chúng tôi không rõ họ đã có đặt một cơ sở nào không (có thể với mục đích là bảo vệ công việc đánh cá), nhưng chắc chắn rằng nhà vua Gia Long đã chủ tâm đính thêm đoá hoa độc nhất vô nhị đó vào chiếc vương miện của ông, bởi vì ông đã xét thấy cần thiết phải đi tới việc đích thân chiếm giữ lấy quần đảo đó, và chính vì thế mà năm 1816 ông đã long trọng kéo lá cờ xứ Đàng Trong lên mảnh đất đó".
Trong những thập kỷ cuối thế kỷ XIX, khi Pháp tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, triều đình Tự Đức không còn đủ sức chống lại đã lần lượt để mất chủ quyền về tay thực dân Pháp, trong đó có cả chủ quyền các vùng biển đảo. Tuy nhiên vùng đất máu thịt của tổ tông vẫn là niềm thôi thúc các thế hệ con dân đất Việt đấu tranh đến cùng để giành lại chủ quyền bằng mọi giá.
Tư liệu về nguồn gốc, chức năng và hoạt động của các đội Hoàng Sa và Bắc Hải (trong đó đặc biệt là đội Hoàng Sa) càng ngày càng được tập hợp phong phú hơn, đa dạng hơn. Chúng ta không chỉ biết về các đội Hoàng Sa, Bắc Hải trong chủ trương thành lập và chỉ đạo hoạt động của các chúa Nguyễn, của vương triều Tây Sơn và các vua nhà Nguyễn, mà còn biết khá cụ thể các chủ trương ấy đã được chính quyền và nhân dân các địa phương tự giác chấp hành và thực hiện một cách đầy đủ và hết sức nghiêm chỉnh.
Đây không chỉ dừng lại ở những văn bản chính thức của Nhà nước và những hoạt động phong phú đa dạng ở các địa phương, mà còn được tập hợp trong những ghi chép của các học giả, các nhà chức trách Việt Nam, các thương nhân và giáo sĩ phương Tây, thậm chí đến cả nhà sư Trung Quốc đương đại, những người đã thông qua quan sát trực tiếp hay khảo cứu công phu từ những văn bản gốc về hoạt động của các đội Hoàng Sa, Bắc Hải mà ghi chép lại một cách khách quan, trung thực.
Tất nhiên các đội Hoàng Sa và Bắc Hải với chức năng chủ yếu là bảo vệ và khai thác các vùng quần đảo xa giữa Biển Đông, cũng có lúc thiên về công việc khai thác, cũng có lúc thiên về công việc bảo vệ, nhưng dù là thiên về chức năng nào thì cũng không thể thay thế được các đội Thuỷ quân.
Vì thế trong lịch sử chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa, có những lúc hoạt động của đội Hoàng Sa rất nổi bật, nhưng cũng có những lúc bị lu mờ, thậm chí có khi bị ghép chung vào công việc của đội Thuỷ quân. Chúng ta từng biết có triều đình đã từng quyết định bãi bỏ đội Hoàng Sa và chuyển công việc của đội Hoàng Sa cho đội Thuỷ quân, nhưng ngay sau đó họ lại phải tính chuyện tái lập trở lại... Các đội Hoàng Sa, Bắc Hải dù hoạt động độc lập hay phụ thuộc vào đội Thuỷ quân, thậm chí có là hoạt động dưới danh nghĩa của đội Thuỷ quân đi nữa, thì cứ vẫn là một tổ chức độc đáo của các Nhà nước Việt Nam thế kỷ XVII, XVIII, XIX trong chủ trương khẳng định chủ quyền của mình ở Hoàng Sa và Trường Sa mà không có bất cứ một quốc gia nào trong khu vực có được.
Đến giữa thế kỷ XIX trước cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp, mặc dù dân các đảo Lý Sơn, Phú Quý, các xã An Vĩnh, An Hải, Bình An... vẫn tiếp tục đi ra Hoàng Sa, Trường Sa thu lượm hoá vật, hải sản dâng nộp cho triều đình Huế - nghĩa là vẫn thực hiện một chức năng của đội Hoàng Sa, Bắc Hải xưa, nhưng chức năng bảo vệ biển đảo đã chuyển hẳn cho các đội Thủy quân. Đến khi triều đình Huế thất thủ, không còn khả năng tổ chức lại quân đội, củng cố các đội Thuỷ quân để bảo vệ trực tiếp kinh thành Huế, thì đương nhiên họ cũng không còn khả năng khôi phục hoạt động của đội Hoàng Sa, Bắc Hải nữa. Sự chấm dứt hoạt động của đội Hoàng Sa, Bắc Hải tuyệt nhiên không phải là do Nhà nước phong kiến Việt Nam từ bỏ chủ quyền của mình trên các vùng quần đảo giữa Biển Đông.
Tư liệu cho biết các Nhà nước Việt Nam đã thực thi chủ quyền của mình ở Hoàng Sa và Trường Sa dưới các hình thức và biện pháp khác nhau như vãng thám kiểm tra kiểm soát, khai thác các hoá vật và hải sản, tổ chức thu thuế và cứu hộ tàu bị nạn, khảo sát, đo vẽ bản đồ, dựng miếu thờ, lập bia chủ quyền, dựng bài gỗ lưu dấu để ghi nhớ, trồng cây để cho người qua lại dễ nhận biết... Lực lượng ra làm nhiệm vụ ở Hoàng Sa, Trường Sa không chỉ có các đội Hoàng Sa, Bắc Hải, các đội Thuỷ quân, biền binh, vệ giám thành mà cả binh đinh, dân phu.
Mỗi chuyến đi ra Hoàng Sa, Trường Sa đều phải có quyết định của Nhà nước dưới hình thức "tờ sai để thi hành công vụ" và nhiều khi chính nhà vua trực tiếp chỉ đạo việc quyết định cho thuyền ra khơi hay tạm dừng lại. Sau khi kết thúc công việc họ phải chạy thuyền thẳng về Kinh đô để báo cáo tình hình, khai nộp hoá vật, hải vật. Nhà vua thông qua Bộ Công để kiểm tra, đánh giá và tuỳ mức độ đóng góp hay vi phạm mà luận công hay định tội, thưởng phạt công minh. Những người hoàn thành nhiệm vụ đều được Nhà nước cấp bằng xác nhận.
Công việc ở Hoàng Sa và Trường Sa là vô cùng gian nan nguy hiểm, nhiều trường hợp có đi mà không có về. Thậm chí có khi  người ta phải làm lễ truy điệu sống, làm đám tang trước để an ủi người đi. Ý thức được đầy đủ nghĩa vụ và trách nhiệm với quê hương đất nước, nhiều người thản nhiên đi vào cái chết, tự giác coi đó là lẽ sống của chính mình. Trang lịch sử chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa được viết bằng máu, được đánh đổi bằng cả cuộc đời của lớp lớp những con người như thế.
Chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa là một trong những trang đẹp nhất, bi hùng nhất của lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam ta, mà bất cứ người Việt Nam chân chính nào cũng cần phải biết trân trọng và gìn giữ, không chỉ cho hôm nay, mà còn cho muôn đời sau.

Thứ Bảy, 17 tháng 9, 2011

Ấn Độ hợp tác với Việt Nam, Trung Quốc phản đối ???

Trung Quốc cảnh báo các công ty Ấn Độ tham gia bất kỳ hợp đồng nào với các hãng Việt Nam trong việc thăm dò và khai thác dầu khí ở các khu vực tranh chấp của Biển Đông.
Theo tờ Times of India, tuyên bố từ Bắc Kinh có thể tạo ra diễn biến mới trong quan hệ của họ với Ấn Độ - nước đang yêu cầu Trung Quốc không xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng ở vùng tranh chấp Kashmir mà Pakistan chiếm đóng (PoK).
Trong khi đó, Trung Quốc lại dự kiến đưa giàn khoan khổng lồ ra Biển Đông

"Chúng tôi hy vọng nước ngoài sẽ không liên can tới tranh chấp", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Khương Du nói. "Với những quốc gia ngoài khu vực, chúng tôi hy vọng họ sẽ tôn trọng và ủng hộ các nước trong khu vực giải quyết tranh chấp thông qua các kênh song phương", bà Khương Du trả lời câu hỏi liên quan tới kế hoạch của ONGC Videsh trong việc thăm dò hai lô dầu khí ngoài khơi mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền.
Một lần nữa, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc lại khẳng định, nước này "có chủ quyền không tranh cãi" với Biển Đông và các đảo của nó.
New Delhi dự kiến sẽ phản hồi và yêu cầu Bắc Kinh giải thích vì sao họ cho phép các công ty Trung Quốc xây dựng thủy điện và các dự án cơ sở hạ tầng khác ở vùng tranh chấp Kashmir, nơi Ấn Độ tuyên bố chủ quyền. Các chính khách Pakistan và PoK đã thảo luận công khai về việc Trung Quốc đầu tư vào vùng tranh chấp Kashmir cho dù Trung Quốc chưa xác nhận điều này.
Đây là lần đầu tiên, Ấn Độ liên quan tới tranh chấp trên biển ở Biển Đông. Trước đó, xung quanh vấn đề an ninh và chủ quyền hàng hải, Bộ Ngoại giao nước này đã tuyên bố: "Ấn Độ ủng hộ tự do hàng hải ở các vùng biển quốc tế, bao gồm cả Biển Đông và quyền qua lại phù hợp với các nguyên tắc được chấp thuận của luật pháp quốc tế. Các nguyên tắc này cần được tất cả các bên tôn trọng".
Theo Times of India, trong cuộc họp báo ở Trung Quốc diễn ra trước chuyến thăm Việt Nam của Ngoại trưởng Ấn Độ SM Krishna, bà Khương Du đã nói: "Quan điểm nhất quán của chúng tôi là phản đối bất kỳ nước nào tham gia vào các hoạt động thăm dò dầu khí và phát triển các hành động ở vùng biển thuộc thẩm quyền của Trung Quốc".
Times of India nhấn mạnh, Việt Nam đã khẳng định chủ quyền với khu vực thăm dò dầu khí nói trên theo Công ước LHQ về Luật Biển.
Những tháng gần đây, căng thẳng Biển Đông đã gia tăng. Cả Việt Nam và Philippines đều mạnh mẽ lên tiếng phản đối cách hành xử gây hấn của Trung Quốc ở vùng biển này. Nhiều tàu thuyền Trung Quốc đã xâm nhập, quấy nhiễu hoặc làm hư hại các tàu cá, tàu thăm dò dầu khí của hai nước tại vùng biển mà hai nước tuyên bố chủ quyền.
Khi căng thẳng leo thang, Trung Quốc đã cảnh báo các láng giềng châu Á ngừng tìm kiếm dầu ở gần quần đảo Trường Sa (thuộc Biển Đông) đang tranh chấp, thậm chí còn thề sẽ khẳng định chủ quyền của mình với khu vực giàu tiềm năng dầu khí ở Biển Đông bất chấp chồng lấn chủ quyền với nhiều nước khác.
Biển Đông trải dài từ bờ biển phía tây của Singapore ở Đông Nam Á tới eo biển Đài Loan với diện tích khoảng 3.500.000 km vuông, bao gồm hơn 200 hòn đảo. Biển Đông chứa đựng khối lượng đáng kinh ngạc về đa dạng sinh học và tài nguyên biển, bao gồm trữ lượng dầu khí rất lớn, thủy sản và ước tính chiếm 30% các rạn san hô của thế giới. Đây là nơi diễn ra tuyên bố chủ quyền chồng lấn giữa Trung Quốc và 4 quốc gia Đông Nam Á, trong đó Trung Quốc đưa ra tuyên bố chủ quyền lớn nhất bằng cách công bố bản đồ 9 đoạn bao trùm hầu hết toàn bộ vùng biển.
Tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc ngày 19/4 đã đưa ra một báo cáo đặc biệt về Biển Đông, trong đó mệnh danh vùng biển này là "Vịnh Ba Tư thứ hai". Tờ báo cho biết, Biển Đông chứa đựng hơn 50 tỉ tấn dầu thô và hơn 20 nghìn tỉ mét khối khí. Con số này gấp khoảng 25 lần trữ lượng dầu và 8 lần trữ lượng khí của Trung Quốc đã được chứng minh. Tờ báo này không trích dẫn nguồn nào của ước tính trữ lượng dầu và khí tự nhiên nằm dưới đáy Biển Đông. Tuy nhiên, báo dẫn lời Trương Đại Vệ - một quan chức cấp cao thuộc Bộ Đất đai và Tài nguyên Trung Quốc, khi nói rằng, việc tăng cường thăm dò tìm kiếm ngoài khơi là "chìa khóa" để giải quyết cơn khát năng lượng của Trung Quốc.
Ngoài Biển Đông, Trung Quốc cũng có tranh chấp với Nhật Bản về chủ quyền lãnh thổ tại biển Hoa Đông.

Thứ Tư, 14 tháng 9, 2011

Giữa lúc những hành động được xem là bất thường của Trung Quốc (TQ) ở biển Đông gần đây làm cho nhiều người cảm thấy hoài nghi về tuyên bố "hòa bình quật khởi" của Bắc Kinh.
“Death by China“ 
Ngày 7-6 vừa qua, hai học giả ở Mỹ đã tổ chức cuộc hội thảo mang tên “Death by China – Confronting the Dragon – A Global Call to Action” (tạm dịch “Chết dưới tay TQ – Đối phó với con rồng, lời kêu gọi hành động toàn cầu”) và ra mắt cuốn sách cùng tên nói về điều mà họ cho là mối đe dọa lớn nhất đối với hòa bình thế giới hiện nay.
Trong buổi hội thảo, Tiến sĩ Peter Navarro của Đại học California ở Irvine và chuyên gia về TQ Greg Autry đã thay phiên nhau vẽ nên một bức tranh cận cảnh và rõ ràng về hiểm họa mà chính sách của TQ đang mang đến cho thế giới. Trong phần trình bày cặn kẽ, Tiến sĩ Peter Navarro khiến cử tọa bị thuyết phục rằng nếu tình trạng hiện tại cứ tiếp diễn, thì nhân loại, hay trong một phạm vi hẹp hơn, người dân và đất nước Mỹ, sẽ “chết dưới tay TQ”. Tại sao? Câu trả lời đầy đủ nhất dĩ nhiên nằm trong tác phẩm “Death by China” (deathbychina.com) hơn 250 trang, kết quả của hơn 2 năm nghiên cứu, phỏng vấn và những chuyến viếng thăm nhiều miền khác nhau trên đất nước TQ của cả hai tác giả và phụ tá của họ.
Với 16 chương, “Death by China” được chia làm hai phần chính, gồm lập luận cũng như dẫn chứng về hiểm họa TQ và lời kêu gọi một số hành động mà cả chính quyền, giới đầu tư lẫn người tiêu thụ Mỹ cần phải làm ngay, để có thể tránh được hiểm họa này. Hai tác giả Navarro và Autry lập luận rằng, Mỹ sẽ bị chết dưới tay TQ vì nhiều lý do. Thứ nhất, người tiêu thụ sẽ bị hàng hóa độc hại của TQ giết dần giết mòn; thứ hai, chính sách cạnh tranh bất chính của TQ tạo nên một loạt những “vũ khí” được sử dụng một cách có hệ thống để tiêu diệt nền kinh tế của các quốc gia khác, nhất là nền kinh tế Mỹ; thứ ba, biện pháp cho gián điệp xâm nhập vào nước Mỹ, ăn cắp bí mật quốc phòng cộng với việc ngày càng tăng ngân quỹ quốc phòng, sẽ khiến TQ chỉ trong vài năm nữa có thể đuổi kịp, rồi vượt qua Mỹ về sức mạnh quân sự; thứ tư, chính sách tìm đủ mọi cách để chế tạo ra hàng hóa với giá thành rẻ nhất, TQ sẽ hủy hoại môi sinh tàn tệ và nhanh chóng đến mức khó có thể nào cứu gỡ được.
Dẫn chứng sự độc hại và nguy hiểm của hàng hóa TQ, “Death by China” đưa ra hàng loạt những thí dụ như melamine trong sữa, melamine trong thức ăn cho chó mèo, quần áo cho trẻ em dễ bốc cháy, thuốc aspirin chứa độc tố, thuốc lipitor và viagra giả, chất arsenic trong nước ngọt, chất chì trong trà, than giả, nôi em bé chỉ dùng vài lần là gãy thành khiến nhiều em bé bị ngã gãy cổ, trẹo sườn, điện thoại di động bị phát nổ, đồ nhựa chứa độc tố, ghế sofar bị xịt đầy chất “dimethyl fumarate” gây bệnh ngứa ngoài da kinh niên, những món ăn chứa đầy chì, vòng đeo cổ và đồ chơi gây khó thở…
Những dẫn chứng về sự cạnh tranh bất chính cũng nhiều không kém. Trước tiên, TQ đập tan những quy ước về cả tự do mậu dịch lẫn thương mại bằng chính sách “vừa con buôn thủ lợi, vừa bảo vệ nền công nghệ nội địa” bằng cách đổ tiền của nhà nước vào từng nền công nghệ mà họ muốn cạnh tranh với Mỹ và cướp đi công việc của người dân Mỹ. Còn những vũ khí được sử dụng có hệ thống để giết hại nền kinh tế của Mỹ thì sao? Theo “Death by China”, các vũ khí này gồm việc hỗ trợ cho các hàng xuất khẩu vi phạm luật của WTO, sản xuất hàng giả, đánh cắp kỹ thuật, hoàn toàn không quan tâm đến những cách sản xuất có hại cho môi sinh và ngược đãi công nhân, biến họ thành lao nô.
Điểm then chốt của chính sách con buôn trục lợi bất chấp các quy ước của WTO mà TQ đã ký kết là việc thao túng hối suất, khiến hàng nhập vào TQ có giá thành rất cao, tạo cho Mỹ một nguy cơ như quả bom nổ chậm: thâm thủng mậu dịch hàng năm lên đến gần 1 tỉ USD.
Cùng lúc đó, bất cứ công ty nào muốn bước vào thị trường, được Chính phủ TQ bảo hộ kỹ càng để bán hàng cho dân địa phương phải chịu số phận chung là dần dà sẽ bị đánh cắp hết kỹ thuật và phát minh. Trường hợp của Google China là một ví dụ điển hình. Lý do là luật của TQ đòi hỏi các công ty muốn vào nước họ phải chuyển bộ phận nghiên cứu và phát triển đến đó.
Ngoài ra, một vài thống kê trong “Death by China” cũng làm độc giả giật mình. Kể từ khi TQ gia nhập WTO năm 2001, chủ trương “con buôn trục lợi và bảo vệ công nghệ nội địa” của họ đã khiến nhiều ngành công nghiệp của Mỹ, như may mặc, bàn ghế, hóa chất, giấy, sắt, bánh xe, bị thu nhỏ lại còn một nửa. Riêng công nghiệp dệt bị triệt tiêu hơn 70%. Theo Navarro và Autry, trong vòng 10 năm qua, TQ lấy đi của Mỹ mỗi năm 1 triệu công ăn việc làm.
Vũ khí cuối cùng trong chính sách thâm độc của TQ là việc mà hai tác giả của “Death by China” gọi là “xâm lăng” hay “chiếm lãnh thuộc địa” khắp nơi bằng cách lạm dụng tự do mậu dịch để giành lấy tài nguyên của các quốc gia đang phát triển. Một kịch bản quen thuộc được Navarro và Autry vẽ nên: một ông TQ bụng phệ, mang ngân phiếu đến một quốc gia nghèo khó nào đó, và hứa sẽ cho quốc gia đó mượn một số tiền khổng lồ với tiền lời rẻ mạt để “giúp” xây cất đường sá hay canh tân quân đội. Đổi lại, quốc gia này chỉ cần làm hai điều rất nhỏ cho Bắc Kinh: trao hết quyền khai thác tài nguyên, đồng thời cho phép TQ được quyền bán những sản phẩm được chế tạo bởi chính những tài nguyên vừa khai thác được từ nước này cho người tiêu thụ quanh vùng. Những hợp đồng loại này biến quốc gia vừa ký kết cho TQ khai thác tài nguyên trở thành thuộc địa của họ. Cả thị trường cũng của TQ nốt.
Navarro và Autry dành hẳn 4 chương trong cuốn “Death by China” để nói về sự nguy hiểm của sự phát triển sức mạnh quân sự TQ, mà theo hai ông, cũng bằng phương pháp bất chính. Theo “Death by China” thì “Ngũ Đài Giác” của TQ hiện đang lặng lẽ tiến hành công việc chế tạo những vũ khí tối tân mà họ đã đánh cắp kỹ thuật từ Mỹ, qua đoàn quân gián điệp hùng hậu của họ. Những vũ khí có cả tên lửa nhắm vào việc bắn hạ vệ tinh, tiêu diệt hàng không mẫu hạm của Mỹ, hay bắn sâu vào nội địa Mỹ.
Nói đến sự hiếu chiến của TQ, Navarro và Autry tả lại cuộc biểu diễn không lực tại Zhuhai, trong đó nước này đã trưng bày mô phỏng một chiếc máy bay không người lái nhắm vào một hàng không mẫu hạm của Mỹ và nói rằng với loại máy bay này, hàng không mẫu hạm của Mỹ, trung bình mang theo khoảng 5.000 lính hải quân có thể bị tên lửa của TQ nhắm bắn dễ dàng. Hơn thế nữa, TQ đã cho chiếc máy bay tàng hình J-20 của họ bay thử lần đầu tiên tại Chengdu ngay trong chuyến viếng thăm TQ của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates vào tháng 1-2011. Navarro và Autry cho biết, sở dĩ TQ đã làm như thế là vì muốn chọc vào mắt của ông Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, là vì chính ông Gates đã từng công khai tuyên bố là phải đến năm 2020 TQ mới chế nổi một chiếc máy bay như vậy. Thật ra giữa J-20 và F-22, máy bay nào chiến hơn là vấn đề còn đang được tranh cãi. Câu hỏi quan trọng hơn được đặt ra là nhờ đâu TQ đã có những bước tiến nhanh như vậy trong việc chế tạo máy bay tàng hình? “Death by China” trích lời Đô đốc Davor Domazet-Loso, Tham mưu trưởng Bộ Quốc phòng Croatia, nói rằng, TQ đã đánh cắp kỹ thuật máy bay tàng hình của Mỹ bằng cách mua lại mảnh của một máy loại này của Mỹ bị bắn rơi ở Serbia năm 1999.
Sự cạnh tranh của Hải quân TQ với Hải quân Mỹ cũng ráo riết không kém và theo “Death by China” thì nhiều nỗ lực được nhắm vào việc chế tạo những đầu tên lửa nhằm tiêu diệt hàng không mẫu hạm của Mỹ. Về mặt gián điệp, “Death by China” cảnh báo rằng với khoảng 750.000 người TQ vào Mỹ mỗi năm, mục đích tối thượng của ngành tình báo TQ là nhắm vào Chính phủ Mỹ và kỹ thuật quốc phòng để đánh cắp dữ liệu đưa về TQ. Phải làm gì để không “bị chết bởi TQ”? Theo Navarro và Autry, điều đầu tiên là mọi người tiêu thụ phải thay đổi nhận thức để hiểu rằng những món hàng TQ có rẻ thật không, an toàn không, sẽ tốn bao nhiêu tiền để chữa bệnh hay sửa chữa… Navarro và Autry nhấn mạnh rằng Chính phủ Mỹ cần xem xét lại chính sách đối ngoại với TQ. Jon Gallinetti, Thiếu tướng Thủy quân Lục chiến Mỹ hồi hưu, nói rằng: “Các nhà lãnh đạo chính trị và quân sự phương Tây nên đọc ngay cuốn sách này!”.